Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 02:14 21/02/2024 (GMT+7)
Nhờ đối thoại, thương lượng, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng tăng lương

Mặc dù tháng 7.2024 mới đến thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, song, từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng đã chủ động tăng lương cho NLĐ trung bình 4,6%. Qua đó, động viên NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Nhờ đối thoại, thương lượng, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng tăng lương
Công ty TNHH Synztec Việt Nam tăng lương cho NLĐ từ ngày 1.1.2024 mức 270.000 đồng/người/tháng. Ảnh: Mai Dung

Chủ động tăng lương cho NLĐ

Theo thông tin từ Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, thống kê đầu năm 2024, toàn khu có 105 doanh nghiệp chủ động điều chỉnh tăng lương cho NLĐ từ 1.1.2024 với mức tăng trung bình 4,6% mà không cần chờ đến ngày 1.7 - thời điểm cả nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Mặc dù tăng lương sớm nhưng các doanh nghiệp vẫn cam kết đến ngày 1.7 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương, mức tăng bình quân từ 6% trở lên.

Điển hình như tại Công ty TNHH Synztec Việt Nam (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), theo bà Đoàn Lệ Thương - Chủ tịch Công đoàn Công ty: Từ ngày 1.1.2024, Công ty đã tăng lương cho NLĐ mức trung bình 270.000 đồng/người/tháng. Đến nay, thu nhập trung bình của gần 1.000 lao động công ty là hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại Công ty TNHH Điện tử Sumida (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), công ty cũng điều chỉnh tăng lương và phúc lợi cho NLĐ từ ngày 1.1.2024 với mức bình quân 315.000 đồng/người/tháng (trong đó tăng lương bình quân 150.000 đồng/người/tháng).

Được biết, nhiều năm nay, công ty duy trì tăng lương hằng năm cho NLĐ ngay từ đầu năm, bảo đảm thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

Ngoài ra, theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp có mức tăng lương với đa số công nhân trực tiếp cao như Công ty TNHH Lihitlab Việt Nam (KCN Nhật Bản - Hải Phòng) tăng 550.000 đồng/người/tháng; Công ty TNHH RRC (KCN Nam Đình Vũ), Công ty SHINEC (KCN Nam Cầu Kiền), Công ty Meihotech (KCN Nhật Bản - Hải Phòng) đều tăng mức 500.000 đồng/người/tháng...

Tăng lương nhờ đối thoại, thương lượng

Ông Vũ Ngọc Thức - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ TP Hải Phòng - cho biết: Trên thực tế, tiền lương bình quân của NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2023 đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng (bình quân 8.270.000 đồng/người/tháng). Trong đó, riêng NLĐ khối FDI có lương bình quân 8.860.000 đồng/người/tháng).

Năm 2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng lương tối thiểu vùng là 6% từ ngày 1.7.2024 (tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng/người/tháng).

Mặc dù chưa đến thời điểm trên, tuy nhiên, qua nắm bắt từ cơ sở, đến nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp FDI có đơn hàng ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt đã chủ động tăng lương từ tháng 1.2024. Đến nay, nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương cao hơn 10-20% mức lương tối thiểu vùng.

Việc các doanh nghiệp tăng lương cho NLĐ, theo ông Vũ Ngọc Thức, một phần là nhờ công tác đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể của các công đoàn cơ sở với mong muốn NLĐ có thu nhập cao hơn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ hơn.

Cũng nhờ sự quan tâm, chăm lo của các doanh nghiệp, tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc sau Tết tại Hải Phòng nhiều năm nay luôn ở mức cao, riêng năm 2024 là hơn 96%.

Bên cạnh việc tăng lương, đầu năm mới, NLĐ cũng đón niềm vui khi nhiều doanh nghiệp sau một thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, nền kinh tế thế giới thì đến nay cũng đã ổn định sản xuất, kinh doanh, đơn hàng khả quan hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến quý II, III/2024, thậm chí hết năm 2024, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ.

Tới đây, các cấp Công đoàn thành phố tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương cũng như các chế độ chính sách khác tại doanh nghiệp.

Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ TP Hải Phòng cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất, thương lượng, ký kết các bản thoả ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, chú trọng vào các vấn đề tiền lương, thời giờ làm việc… Các cấp công đoàn đang rà soát tình hình việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ NLĐ tại doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

https://laodong.vn/ldld-hai-phong/nho-doi-thoai-thuong-luong-nhieu-doanh-nghiep-o-hai-phong-tang-luong-1306126.ldo

HOÀNG KHÔI (Báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: