Trang chủChuyên đềHoạt động đối ngoại
Hoạt động đối ngoại
Cập nhật lúc 12:17 09/04/2024 (GMT+7)
Công đoàn Việt Nam muốn duy trì, phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên hiệp Công đoàn Độc lập Nga

Mới đây, tại Moscow đã diễn ra Đại hội XII Liên hiệp Công đoàn Độc lập Nga (FNPR) với hơn 600 đại biểu tới dự. Thay mặt Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại tá Nguyễn Đình Đức, Uỷ viên đoàn Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng đã tới tham dự và phát biểu tại Đại hội.

Kế thừa từ mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Liên Xô

Ở Liên bang Nga hiện nay có nhiều tổ chức công đoàn (CĐ), trong đó Liên hiệp CĐ Độc lập Nga (FNPR) có quy mô tổ chức lớn nhất, được kế thừa cơ sở vật chấ t của Hội đồng Trung ương các CĐ Liên Xô – AUCCTU để lại sau khi Liên Xô tan rã.FNPR được thành lập năm 1990, hiện có gần 20 triệu đoàn viên, chiếm 95% tổng số đoàn viên CĐ toàn Liên bang Nga. FNPR hiện là một thành viên tích cực và có vai trò quan trọng trong Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC), chiếm khoảng 10% tổng số đoàn viên của ITUC.

Chủ tịch Công đoàn Nhà máy sản xuất Tên lửa, Bộ Quốc phòng Nga (ngoài cùng bên phải), gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với Đại tá Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng tại Đại hội

Công đoàn Việt Nam và FNPR có quan hệ hợp tác hữu nghị, có sự kế tục truyền thống anh em từ thời Liên Xô, mặc dù lúc đó Liên bang Nga không có tổ chức CĐ riêng. Kể từ chuyến thăm FNPR đầu tiên vào tháng 8 năm 1992 của đồng chí Cù Thị Hậu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hai bên vẫn duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống.

Trong những năm gần đây, hằng năm, Tổng Liên đoàn LĐVN cử các đoàn cán bộ công đoàn sang tập huấn tại Học viện Lao động và Xã hội Nga (thành phần đoàn gồm Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu các liên đoàn lao động địa phương, Trường Đại học Công đoàn). Các buổi tọa đàm cấp lãnh đạo thường được tổ chức kết hợp trong chương trình hoạt động của các đoàn tập huấn nêu trên.

Năm 2022, Trường ĐH Công đoàn ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027 với Học viện Lao động và Xã hội Nga. Trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa một số CĐ ngành nghề và CĐ địa phương tương ứng: CĐ Đường sắt Việt Nam với CĐ Đường sắt và Xây dựng Giao thông Nga; CĐ Điện lực Việt Nam với CĐ Điện Hạt nhân Nga và CĐ Điện lực Liên bang Nga; Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh với Liên hiệp CĐ Thành phố Leningrad và Liên hiệp CĐ Breast; Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội với Liên hiệp CĐ Thành phố Matxcova.

Tuy nhiên vì một số lý do, khiến mối quan hệ hợp tác giữa CĐ Việt Nam và CĐ Nga chủ yếu vẫn là học hỏi mà chưa có sự chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm tương xứng giữa hai bên.

Xác định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Đại tá Nguyễn Đình Đức – Uỷ viên đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN, Trưởng ban CĐ Quốc phòng cho biết: “Tại Đại hội, tranh thủ đầu giờ sáng và giữa giờ nghỉ các quan chức quốc tế và Lãnh đạo CĐ Nga, Chủ tịch CĐ Quốc phòng Nga cùng rất nhiều lãnh đạo CĐ các nước thuộc Liên Xô cũ đến chào, thăm hỏi, chụp ảnh và mong muốn có quan hệ với CĐ Việt Nam. Thế mới thấy tự hào là người Việt Nam được bạn bè quốc tế quý mến. Vậy nên, tôi tin tưởng rằng, sau buổi gặp gỡ và trao đổi của Đoàn đại biểu CĐ Việt Nam với Liên hiệp CĐ Độc lập Nga sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”.

Chủ tịch Công đoàn Quốc phòng Nga gặp gỡ, chia sẻ với Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, xét vai trò và vị thế của CĐ Nga trong phong trào công đoàn quốc tế cũng như quan hệ truyền thống với CĐ Việt Nam, quan hệ với CĐ Nga được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xác định là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Do đó, CĐ Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển quan hệ đối tác truyền thống, chiến lược toàn diện với FNPR – tổ chức công đoàn lớn, có vai trò và tiếng nói quan trọng trong tổ chức CĐ quốc tế để có thể học hỏi kinh nghiệm và mô hình hoạt động công đoàn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của đối tác lớn trên các diễn đàn quốc tế.

Xét trên mọi lĩnh vực, CĐ Việt Nam và FNPR có mô hình khá tương đồng về cơ cấu công đoàn ngành và địa phương, do vậy có nhiều thuận lợi trong việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động CĐ. Bên cạnh việc duy trì, đẩy mạnh những mối quan hệ hợp tác hiện có giữa CĐ ngành và địa phương hai nước, CĐ Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển và mở rộng quan hệ giữa các CĐ ngành có điểm tương đồng của hai bên, như: CĐ Dầu khí, Than – Khoáng sản…) và các đơn vị trực thuộc của TL như: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam kết nối quan hệ với các cơ quan an toàn lao động tại Liên bang Nga, Viện Nghiên cứu Lao động Toàn Nga và Viện An toàn Công nghiệp, Bảo vệ Lao động và Đối tác Xã hội Nga.

Tuy nhiên, để có thể đa dạng hóa trong quan hệ ngoại giao CĐ, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Đảng và Nhà nước hai bên CĐ Việt Nam đề xuất, cần có sự chỉ đạo cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên bang Nga; mời CĐ Nga tham gia các hoạt động do cơ quan đại diện ngoại giao tổ chức… Đây là kinh nghiệm tốt đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và một số nước châu Âu triển khai.

Trung tá, ThS Nguyễn Xuân Vinh, Ban Công đoàn Quốc phòng

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: