Thời sự
Cập nhật lúc 04:57 14/02/2025 (GMT+7)
Đề nghị cơ chế kiểm soát việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

"Chỉ phân quyền cho địa phương đủ năng lực tài chính, quản trị"

Ngày 14.2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, liên quan tới phân quyền, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phân tích, việc phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Đơn cử một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đề xuất Rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Ảnh: Quoihoi.vn
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đề xuất rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Ảnh: Quoihoi.vn

Thậm chí, nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

Về nguy cơ cát cứ quyền lực, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát. Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung.

Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác. Ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi. Do đó, ông Khải đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”.

Theo đó, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Đồng thời, tăng cường giám sát của Trung ương: Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp. Ảnh: Quoihoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp. Ảnh: Quoihoi.vn

Bên cạnh đó, về phân cấp, đại biểu đề xuất, bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời, cần áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.

Về ủy quyền, đại biểu đề nghị cần giới hạn phạm vi ủy quyền và bổ sung trách nhiệm giải trình.

"Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo...” - đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, để tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn.

Do vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung nội dung vào Điều 18 của Dự thảo Luật về trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.

"Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực... mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước" - ông Tuấn nêu quan điểm.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích về sự cần thiết, ý nghĩa, quan điểm sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, tập trung làm rõ và nhấn mạnh vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ trong lần sửa đổi này là hoàn thiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo Hiến định và chủ trương của Đảng nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo của các cơ quan hành chính nhà nước nhất là chính quyền địa phương; tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực...

https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-co-che-kiem-soat-viec-phan-quyen-phan-cap-uy-quyen-1463117.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: