Trang chủTư vấn pháp luật
Tư vấn pháp luật
Cập nhật lúc 03:37 22/02/2024 (GMT+7)
Phá hoại ô tô đỗ ven đường có thể bị phạt tù đến 3 năm

Hà Nội - Hàng loạt vụ phá hoại ôtô khi đỗ ven đường như bẻ gương, tạt sơn, rạch lốp... đã xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội. Điểm chung của vụ phá hoại tài sản này xảy ra tại khu vực khuất tầm nhìn, xa bãi đỗ xe được cơ chức năng cấp phép.

Phá hoại ô tô đỗ ven đường có thể bị phạt tù đến 3 năm
Nhiều phương tiện bị phá hoại bằng việc sơn màu lên xe. Ảnh: Tô Thế

Theo chị Hà Hải Linh trú tại Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, lúc 22h ngày 30.1.2024, chị đỗ xe ôtô BKS 31F-68xx trước cổng Trường Mần non Lômônôxốp tại đường Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để thăm bạn. Mấy tiếng sau, khi quay xuống, chị Linh thấy xe đã bị đập nát phần đuôi.

Sau đó, chị Linh đã báo Công an phường Mễ Trì về sự sự việc. Tuy nhiên, do đỗ xe xa khu vực camera giám sát của Trường Mần non Lômônôxốp nên lực lượng chức năng không trích xuất được hình ảnh đối tượng phá hoại tài sản.

Chiếc xe của chị Hà Hải Linh đỗ tại đường Mễ Trì Hạ bị đập vỡ phần đuôi xe. Ảnh: Hải Linh cung cấp
Chiếc xe của chị Hà Hải Linh đỗ tại đường Mễ Trì Hạ bị đập vỡ phần đuôi xe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Công an phường Mễ Trì cho biết, sau khi nhận được đơn trình báo của chị Hà Hải Linh, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, tuy nhiên do sự việc xảy ra đêm tối và xa khu vực camera giám sát nên không xác định được đối tượng phá hoại. Hiện công an vẫn đang tiếp tục điều tra.

Đại diện Công an phường Mễ Trì cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn người dân nên gửi xe vào các bãi gửi xe, không nên đỗ trên vỉa hè trong các khu đô thị.

Theo phản ánh của người dân, phần lớn các vụ phá hoại tài sản là do phương tiện đỗ trên vỉa hè ở những nơi khuất và không có điểm trông giữ xe được phép của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Dương Văn Mai - Công ty Luật Bách Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật, để xác định trách nhiệm của người thực hiện hành vi này thì cần căn cứ vào giá trị thiệt hại của tài sản để áp dụng hình thức xử lý hành chính hay xử lý bằng hình sự.

Khu vực chiếc xe của chị Hà Hải Linh bị đập phá. Ảnh: Minh Hạnh
Khu vực chiếc xe của chị Hà Hải Linh bị đập phá. Ảnh: Minh Hạnh

Trường hợp thiệt hại đối với chủ phương tiện ở dưới mức 2.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ- CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Đối với trường hợp xác định thiệt hại từ đủ 2.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt việc việc bị xử lý về trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Luật sư Dương Văn Mai khuyến cáo các chủ phương tiện khi xảy ra sự việc thì cần phải trình báo, tố cáo việc này đến cơ quan công an nơi xảy ra hành vi phá hoại trên để cơ quan chức năng tiến hành tiếp nhận và giải quyết theo quy định.

“Việc để xe ngoài bãi trông giữ, khi xảy ra việc phá hoại sẽ gây khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp bất đắc dĩ phải đỗ xe ngoài điểm trông giữ xe thì có thể quan sát vị trí có các thiết bị an ninh của nhà dân xung quanh để dừng đỗ xe hoặc đỗ xe trong phạm vi quan sát của mình”, luật sư Dương Văn Mai khuyến cáo.

https://laodong.vn/ban-doc/pha-hoai-o-to-do-ven-duong-co-the-bi-phat-tu-den-3-nam-1305312.ldo

MINH HẠNH (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: