Góc nhà trọ
Cập nhật lúc 11:20 23/01/2024 (GMT+7)
Công nhân đi xe máy hàng trăm kilomet về quê đón Tết

Quãng đường 2 chiều từ nhà trọ đến quê nhà hơn 300km, nhiều công nhân xa quê đã quyết định di chuyển dịp Tết Nguyên đán 2024 bằng xe máy để tiết kiệm chi phí.

Công nhân đi xe máy hàng trăm kilomet về quê đón Tết
Nhiều công nhân chọn về quê bằng xe máy dịp Tết để tiết kiệm chi phí. Ảnh minh hoạ: Đình Trọng.

Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết nguyên đán 2 tháng, chị Phạm Thị Ngọc (29 tuổi) - công nhân tại Thái Nguyên lại mang xe máy lên phòng trọ. Mục đích là để di chuyển về quê ăn Tết tại Nam Định để tiết kiệm chi phí.

Chị Ngọc cho biết, giá vé ngày thường là 140.000 đồng nhưng ngày Tết tăng lên đến 250.000 đồng, đó là chưa kể tiền xe ôm từ phòng trọ ra đến nơi đón xe. Nhà trọ không ở gần bến xe nên ngày Tết, nữ công nhân chủ yếu bắt xe dọc đường. Vào dịp này, xe đông đúc phải đứng trên xe suốt 150km khiến chị cực kỳ mệt mỏi.

Theo chị Ngọc ngày Tết rất hay xảy ra tình trạng tắc đường. Thời gian di chuyển ngày thường là gần 3 tiếng nhưng ngày Tết có thể mất đến 5 tiếng mới về đến nhà.

Khi phải đứng trên xe, điều này đối với nữ công nhân chẳng khác gì cực hình.

Năm nào chị Ngọc cũng chọn di chuyển về quê ăn Tết bằng xe máy để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.
Năm nào chị Ngọc cũng chọn di chuyển về quê ăn Tết bằng xe máy để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Vì thế, Tết năm nào chị Ngọc cũng chọn hồi hương bằng xe máy, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí. Điều nữ công nhân đặt lên trên hết là đi đúng đường, đúng luật giao thông và an toàn.

“Quãng đường 150km, xe tôi chạy hết 3 lít xăng, cốp và yên xe rộng nên để được rất nhiều đồ. Cung đường mình đi tuy có tắc đường nhưng đỡ hơn nhiều so với ôtô" - chị Ngọc nói về các ưu điểm khi di chuyển bằng xe máy.

Năm nay, em trai của chị Ngọc cũng lên Hà Nội học đại học. Vì thế, di chuyển bằng xe máy với nữ công nhân là phương án lý tưởng nhất. Chị sẽ vòng vào thủ đô để đón em trai sau đó cùng về quê. Quãng đường chỉ xa hơn 15km nhưng đổi lại, hai chị em tiết kiệm được gần 400.000 đồng tiền xe khách.

Cũng giống chị Ngọc, anh Phạm Văn Kiên (32 tuổi), công nhân tại Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ năm nào hai vợ chồng anh cũng về quê bằng xe máy. Hiện tại, cả hai vợ chồng đều làm ở Hà Nội, còn quê gốc ở Thanh Hóa, khoảng cách 180km.

“Cứ từ từ đi, đi được nửa đường thì nghỉ ngơi 15 phút rồi đi tiếp, khoảng 4 tiếng là về đến nhà” - anh Kiên nói về cách di chuyển về quê của mình.

Theo anh Kiên, việc hồi hương bằng xe máy bây giờ không quá vất vả và nguy hiểm như trước. Bởi vì đường xá đi lại khá tiện lợi, đường rộng, đẹp, chạy 70km/h khá thoải mái và an toàn. Bản thân anh chở vợ nên không cần chạy quá nhanh.

Quan trọng hơn, hai vợ chồng anh Kiên sẽ tiết kiệm được thêm 500.000 đồng vì tiền xăng chỉ tốn 100.000 đồng trong khi đi xe khách ngày Tết 2 người phải trả 600.000 đồng. Theo anh Kiên, là công nhân, ra thủ đô làm việc bao nhiêu chi phí phải lo nên sau khi trừ hết các chi phí, thu nhập cũng chẳng còn nhiều.

“Đi xe máy về quê, vợ chồng tôi tiết kiệm được 500.000 đồng. Số tiền này đủ để mua cho 2 con mỗi đứa một bộ quần áo mới đón Tết” - anh Kiên cho hay.

Khi chia sẻ về kế hoạch di chuyển từ quê trở lại nơi làm việc sau Tết, cả chị Ngọc và anh Kiên đều khẳng định vẫn sẽ tiếp tục sử dụng xe máy. Như vậy, tính ra cả chiều đi, chiều về, mỗi công nhân tiết kiệm được cả triệu đồng.

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-di-xe-may-hang-tram-kilomet-ve-que-don-tet-1295723.ldo

MẠNH CƯỜNG (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: