ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH CHO CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG: Hỗ trợ công nhân tránh bẫy tín dụng đen
Tại các khu vực có nhiều nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, xuất hiện nhiều tờ rơi, áp phích quảng cáo dịch vụ cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp.
Tín dụng đen: vay dễ, trả khó
Trung tuần tháng 3.2024, chúng tôi đến đường Đặng Thai Mai (TP Vinh) để nắm bắt tình hình tín dụng đen trong công nhân lao động. Đây là khu vực thuộc xã Hưng Đông, có Khu công nghiệp Bắc Vinh, tập trung nhiều nhà trọ công nhân.
Tại nhiều gốc cây, cột điện, các vị trí dễ quan sát... có dán chi chít các tờ rơi, áp phích thông báo về nhiều loại dịch vụ cho vay nhanh không cần thế chấp, giải ngân siêu tốc kèm theo số điện thoại liên hệ.
Anh Lê Vũ (tên đã thay đổi) (37 tuổi, quê huyện Nghi Lộc, công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh) cho biết: “Cách đây 3 tháng, tôi có việc nhà cần tiền gấp nên đã liên hệ với 1 số điện thoại quảng bá gói cho vay không cần thế chấp hỏi vay gấp 5 triệu đồng trong một tháng, nhân viên giải thích chỉ cho vay mức tối thiểu là 10 triệu đồng, thời hạn vay tối thiểu 12 tháng, mỗi tháng trả 120 nghìn đồng cả gốc và lãi. Trường hợp trả trước hạn (trước 12 tháng) phải đóng phạt. Như vậy, trong vòng 1 năm, trừ đi số tiền gốc, tổng số lãi phải trả là 3,44 triệu đồng, tương đương 34,4%/năm”.
Về thủ tục, anh Vũ cho biết, bên cho vay yêu cầu phải có sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng trong 4 tháng gần nhất, gửi kèm căn cước công dân đến địa chỉ giao dịch để làm thủ tục vay tiền.
Chị Nguyễn Thu (tên đã thay đổi) công nhân làm việc tại một doanh nghiệp may trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Con ốm, cần tiền đưa con đi viện gấp nên tôi liên hệ với một số điện thoại để vay nóng 5 triệu đồng thì được báo lãi suất 1,5 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Đó là họ nói còn ưu đãi do hoàn cảnh khó khăn, có trường hợp lên đến 5 nghìn đồng/triệu đồng/ngày”.
Một chủ doanh nghiệp tại Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay, thời gian qua có nhiều trường hợp công nhân vay tiền bên ngoài dẫn đến nợ nần, bên cho vay gọi điện cho chủ doanh nghiệp đề nghị phối hợp đòi nợ.
“Tôi cũng chia sẻ với bên cho vay tiền và trao đổi là mặc dù không liên quan đến khoản vay, nhưng là công nhân trong công ty có vay tiền của họ nên tôi vẫn hỗ trợ, với điều kiện bên cho vay phải xuất trình giấy tờ, hợp đồng và bảng kê chi tiết khoản nợ, số tiền lãi, quá trình trả nợ. Thấy tôi yêu cầu như thế sau đó họ không gọi nữa” - chủ doanh nghiệp nói.
Tại xã Lạc Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) có nhà máy may của Công ty TNHH Kido Vinh với hàng nghìn lao động.
Theo tìm hiểu, tại đây đã xảy ra tình trạng công nhân vay nợ bên ngoài chậm trả dẫn đến việc một số cán bộ của công ty bị chủ nợ gọi điện đề nghị hỗ trợ đòi tiền.
Công đoàn tích cực hỗ trợ công nhân
Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt cho hay, thời gian qua có tình trạng công nhân vướng vào tín dụng đen do hoàn cảnh khó khăn đột xuất.
“Đây là một thực tế xảy ra từ lâu nhưng rất khó có số liệu cụ thể, vì công nhân vướng vào tín dụng đen thường che giấu” - bà Trần Thị Nguyệt nói.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, để công nhân không rơi vào bẫy tín dụng đen, phía tổ chức công đoàn thường xuyên phối hợp với chủ doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về biến tướng, tác hại của tín dụng đen, đồng thời có nhiều giải pháp hỗ trợ những công nhân gặp khó khăn đột xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng giới thiệu các tổ chức tín dụng có uy tín để công nhân tiếp cận vay vốn.
https://laodong.vn/cong-doan/ho-tro-cong-nhan-tranh-bay-tin-dung-den-1318999.ldo
QUANG ĐẠI (báo lao động)