Người lao động tìm kiếm công việc trong quý I/2023. Ảnh: Lương Hạnh
Tuyển lao động qua mạng xã hội
Bà Dương Hồng Anh - chuyên viên nhân sự của Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh - chia sẻ: Đợt này công ty có nhu cầu tuyển 70 đến 100 nhân sự cho 6 cơ sở mới đưa vào hoạt động với các vị trí từ lễ tân, chạy bàn, nhân viên bếp, tạp vụ... với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Cùng với tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm, đơn vị này tuyển qua mạng xã hội, từ các trường trung cấp, dạy nghề.
Còn chị Đặng Thị Luyến - chuyên viên tuyển dụng của Chuỗi nhà hàng Golden Gate - cho hay, vẫn gặp khó trong việc tuyển dụng đủ nhân sự cho nhà hàng. Hiện chuỗi nhà hàng này có hơn 4.000 nhân sự. Công ty đang thiếu rất nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông làm công việc phục vụ. Trung bình mỗi tháng công ty phải tuyển dụng từ 300-400 lao động.
“Hiện tại, đa phần lao động làm phục vụ là sinh viên, làm bán thời gian là chính. Chúng tôi có nhu cầu tuyển lao động phổ thông nhưng làm toàn thời gian. Mức lương dao động trong khoảng từ 5,7-6 triệu đồng/tháng; bao ăn, kèm thêm các chế độ thưởng chuyên cần hoặc doanh số. Tổng thu nhập của lao động rơi vào khoảng 8 triệu đồng/tháng. 1 tháng lao động được nghỉ 4 ngày” - chị Luyến nói.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm - nhận định: Với dân số trong địa bàn quận trên 200.000 người, số người ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 75% dân số nên nhu cầu tìm việc làm của người lao động lớn.
Cùng sự phát triển mạnh của kinh tế quận với định hướng phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng.
“Với nhiều giải pháp tích cực, mỗi năm có trên 8.000 người lao động trên địa bàn quận được tư vấn, giới thiệu việc làm. Học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn quận được tư vấn hướng nghiệp, được học một số nghề phù hợp” - ông Nguyễn Quốc Hoàn thông tin.
Theo ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội, kinh tế - xã hội của Hà Nội đã dần phục hồi tích cực. Về lĩnh vực lao động việc làm, tính đến hết tháng 2, thành phố đã giải quyết việc làm cho 27,9 nghìn lao động, đạt 17,2% kế hoạch năm, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Sở LĐTBXH Hà Nội đã xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp...
Cũng theo ông Nam, Sở LĐTBXH Hà Nội thực hiện nâng cao chất lượng công tác dự báo để chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; Đẩy mạnh đào tạo những ngành, nghề đang phát triển, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội như: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tham dự “Ngày hội Tư vấn và Giao dịch việc làm Quận Hoàn Kiếm năm 2023” có sự góp mặt của 28 đơn vị với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 2.170 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành, nghề cùng mức lương hấp dẫn.
Phân chia theo mức thu nhập, với mức trên 10 triệu đồng chiếm gần 30%, chủ yếu là cấp quản lý, có kinh nghiệm thâm niên. Phổ biến nhất là các chỉ tiêu tuyển dụng có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng (chiếm hơn 41%) với các vị trí kế toán, lễ tân, nhân viên có tay nghề...