Đối tượng không thuộc diện đóng bảo hiểm thất nghiệp
Từ ngày 1.1.2026, Luật Việc làm 2025 quy định rõ các trường hợp không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mở rộng đối tượng tham gia.
Luật Việc làm 2025 có hiệu lực từ ngày 1.1.2026 quy định rõ những trường hợp không bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi
Luật Việc làm 2025 có hiệu lực từ ngày 1.1.2026 quy định rõ những trường hợp không bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng hoặc đã đủ điều kiện nghỉ hưu; người làm việc theo hợp đồng thử việc; lao động giúp việc gia đình đều không thuộc diện tham gia BHTN.
Ngoài ra, luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền mở rộng đối tượng tham gia đối với những người có việc làm và thu nhập ổn định, dựa trên đề xuất của Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Theo Điều 31 Luật Việc làm, nhóm bắt buộc tham gia BHTN là người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ một tháng trở lên, kể cả khi hợp đồng được gọi bằng tên khác. Người làm việc bán thời gian vẫn phải tham gia nếu có thu nhập từ lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Quy định cũng áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương như thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, kiểm soát viên...
Người sử dụng lao động cũng bắt buộc tham gia BHTN nếu có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng thuộc các loại hình như cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHTN, họ và người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm đóng bảo hiểm theo quy định.
https://laodong.vn/cong-doan/doi-tuong-khong-thuoc-dien-dong-bao-hiem-that-nghiep-1539944.ldo
Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)