Người lao động được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên đến 50%
Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.
Ông Nguyễn Văn Quang (53 tuổi, Thái Bình) cho biết, ông có dự định 2 năm nữa tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu đến năm 62 tuổi, ông sẽ tích lũy được 22 năm tham gia BHXH để an tâm bắt đầu nghỉ hưu.
Chính sách tăng mức hỗ trợ đóng BHXH của Nhà nước mới thi hành khiến ông vô cùng vui mừng, an tâm đóng BHXH.
“Hiện tại, tôi đã đóng BHXH bắt buộc được 14 năm nhưng không còn đi làm công ty nữa. Chính sách mới giúp tôi bớt gánh nặng chi phí, có thêm động lực đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu” - ông Quang nói.
Theo ông Quang, mức hỗ trợ mới 20% giúp lương hưu được đảm bảo hơn khi về già.
Ông Quang yên tâm phần nào khi được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức mới từ ngày 1.7. Ảnh: Minh Hương.
Ông Quang dự kiến sẽ đóng khoảng 1 triệu đồng/tháng để có thể nhận lương hưu 2,7 triệu đồng. Nếu Nhà nước hỗ trợ 20% thì mức đóng ông Quang chỉ cần đóng khoảng 800.000 đồng thay vì phải đóng 900.000 đồng theo mức hỗ trợ cũ 10%.
Ông Quang hiện làm công việc tự do, thu nhập không ổn định. Nếu kinh tế khó khăn, mức hỗ trợ dù chỉ 100.000 đồng nhưng cũng rất thiết thực.
“Khi đã có tuổi, lại không có thu nhập ổn định, tôi phải tính toán từng đồng, được Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu cũng rất quý” - ông Quang nói.
Ông Quang cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, các đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo như bản thân có thể được hỗ trợ lên đến 30%.
Như vậy, với mức đóng 1 triệu đồng mỗi tháng, ông chỉ cần đóng khoảng 700.000 đồng, không phải lo lắng nhiều nếu phát sinh thêm các chi phí trong cuộc sống.
Đi làm hơn 8 năm nhưng ông Nguyễn Văn Mẫn (54 tuổi) đã quyết định xin nghỉ bởi công việc ngày càng vất vả, quá sức với bản thân. Với 8 năm đóng BHXH, ông Mẫn khá lưỡng lự nên đóng tiếp BHXH tự nguyện hay rút chế độ một lần.
“Rút BHXH một lần tôi giải quyết được vấn đề kinh tế trước mắt, hoặc gửi tiết kiệm cũng có chút lãi nhưng sau này không có lương hưu. Còn đóng tiếp BHXH tự nguyện, tôi sợ rằng không đủ sức khỏe làm ra thu nhập ổn định để đóng thêm 7 năm, đóng mức thấp quá thì lương hưu về sau lại không đủ sống” - ông Mẫn đắn đo.
Tuy nhiên, khi biết Nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% (ông thuộc hộ cận nghèo), ông Mẫn tự tin có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện.
“Tôi dự kiến sẽ đóng BHXH tự nguyện thêm 7 năm nữa, tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Với mức hỗ trợ mới, việc trích ra 560.000 đồng mỗi tháng, tôi nghĩ có thể duy trì được đến khi đóng xong” - ông Mẫn nói.
Ông Mẫn đang làm bảo vệ cho công ty nhỏ gần nhà, mỗi tháng được trả 4,5 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, cỗ bàn, ông Mẫn vẫn còn tiết kiệm hơn 1 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ thêm, ông Mẫn cho biết, sau này có lương hưu dù ít vẫn thiết thực hơn không có. Dự định ban đầu ông sẽ tích lũy dần đến 62 tuổi sẽ đóng một thể cho 7 năm còn thiếu. Tuy nhiên, với chính sách mới, ông Mẫn an tâm hơn đóng từng tháng ngay từ 1.7.2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.7.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Mức hỗ trợ bằng 20% đến 50% mức đóng, tùy theo đối tượng tham gia.
Tỉ lệ hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1.7.2025 đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 50%;
Người tham gia thuộc hộ cận nghèo là 40%; Người tham gia là người dân tộc thiểu số là 30%; Người tham gia khác là 20%.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-duoc-ho-tro-muc-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-len-den-50-1536406.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)