Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 10:39 12/07/2025 (GMT+7)
Rào cản tìm việc của lao động trẻ

Dù là nguồn lực quan trọng của thị trường lao động nhưng hiện nay, lao động trẻ đang gặp không ít khó khăn, rào cản khi xin việc.

Rào cản tìm việc của lao động trẻ
Không hiểu rõ thị trường việc làm, lao động trẻ đang gặp không ít khó khăn, rào cản khi xin việc. Ảnh: Quỳnh Chi

Không hiểu rõ thị trường lao động và chính bản thân mình

Anh Hoàng Nguyên Đức từng là cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2011 với tấm bằng loại giỏi, anh Đức tự tin sẽ xin được việc làm ổn định, thu nhập khá.

“Thế nhưng, mất nửa năm xin việc, các nhà tuyển dụng từng gọi phỏng vấn đều có chung nhận định tôi “thiếu kinh nghiệm thực tế”. Khi ấy, tôi mới hiểu những kiến thức được học trong nhà trường chỉ là một phần. Quan trọng hơn, thị trường lao động đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm “thực chiến”. Cũng có những doanh nghiệp chấp nhận đào tạo lại cho nhân sự, nhưng số này không nhiều và ứng viên sẽ rơi vào trạng thái “lép vế” trong cung - cầu lao động này”, anh Đức nói.

Cũng theo anh Đức, ngoài hiểu biết lơ mơ về thị trường lao động, không ít lao động trẻ còn ảo tưởng về bản thân. Anh cho hay chính anh và nhiều bạn bè đều quan niệm cứ học ra trường với tấm bằng giỏi sẽ dễ dàng xin việc và “ăn đứt” nhóm lao động cao đẳng hoặc trình độ thấp hơn.

Hiện đã có công việc ổn định tại một tổ chức tài chính, anh Đức đưa ra lời khuyên cho người trẻ phải hết sức thực tế khi đi làm. “Những gì các bạn hình dung khác hoan toàn so với thực tế. Hãy chăm chỉ làm thêm, học kỹ năng mềm và học hỏi từ thế hệ đi trước”, anh Đức khuyến cáo.

Không có xuất phát điểm tốt như anh Đức, anh Nguyễn Ngọc Mạnh cũng “vỡ mộng” dù chỉ xin làm công nhân.

Từ quê Phú Thọ xuống Hà Nội xin việc với suy nghĩ “có đầy việc để làm”, anh Mạnh lang thang nhiều khu công nghiệp, thậm chí xin việc ở những công ty tư nhân với mức lương ít ỏi nhưng cũng không được nhận. “Lý do là tôi không có bất cứ kinh nghiệm làm việc trong bất cứ lĩnh vực gì”, anh Mạnh nói.

Cuối cùng, nhờ sự tư vấn và bảo lãnh của người quen, anh Mạnh xin vào học việc không thù lao tại một xưởng cơ khí. Sau gần 1 năm học việc, anh được chính xưởng này nhận vào làm khi đã có hiểu biết kha khá về công việc.

Thị trường lao động đã phức tạp hơn

Trao đổi về những rào cản mà người trẻ gặp phải khi tham gia thị trường lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội phân tích, nguyên nhân chính khiến không ít người trẻ khó xin, thậm chí không xin được việc làm là thiếu kinh nghiệm thực tế.

“Nhiều người chỉ học lý thuyết, chưa từng tham gia thực tập; thậm chí có người không được đào tạo, không có bất cứ trình độ chuyên môn gì. Chưa kể, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện… còn rất hạn chế”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, nhiều lao động trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng, thậm chí chọn việc theo trào lưu hoặc kỳ vọng gia đình. Tình trạng này diễn ra cả ở nhóm lao động có năng lực trình độ và nhóm chưa qua đào tạo. “Đây là sự lãng phí và rất cần cơ quan chức năng định hướng phát triển, tránh tạo ra sự lãng phí không đáng có, đặc biệt ở nhóm có trình độ, được ăn học đến nơi đến chốn”, bà Hương nhấn mạnh.

Chung quan điểm, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số làm thị trường lao động phức tạp hơn, đòi hỏi kỹ năng công nghệ và khả năng thích nghi cao. Theo đó, cơ cấu nghề nghiệp đang cũng chuyển dịch từ lao động giản đơn sang ngành kỹ thuật, chuyên môn cao.

“Vì vậy, người lao động cần chủ động trang bị kỹ năng mềm, khả năng ứng dụng công nghệ và năng lực thích ứng với môi trường làm việc số. Mục tiêu của thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc bắt kịp xu hướng, mà còn phải gắn liền với chiến lược phát triển nguồn nhân lực”, ông Vũ Quang Thành cho hay.

https://laodong.vn/cong-doan/rao-can-tim-viec-cua-lao-dong-tre-1538715.ldo

QUỲNH CHI (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: