UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến của các địa phương về những vướng mắc đối với giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111. Ảnh: Quách Du
Vì sao bị giảm thời gian hợp đồng?
Thời gian qua, nhiều giáo viên tại tỉnh Thanh Hóa (ký hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ) tỏ ra lo lắng trước việc thời gian ký hợp đồng bị giảm từ 12 tháng xuống còn 9 tháng (đến 31.5.2025 sẽ hết hợp đồng và không ký tiếp 3 tháng hè).
Qua tìm hiểu, tại Thanh Hóa hiện có rất nhiều giáo viên bị giảm thời gian hợp đồng. Nguyên nhân là do ngày 31.12.2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên được hỗ trợ kinh phí tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập theo Nghị định 111, với thời gian thực hiện từ 1.1.2025 đến 31.5.2025. Vì vậy, các đơn vị, địa phương đã điều chỉnh giảm thời hạn hợp đồng đã ký trước đó, chỉ đến hết ngày 31.5.2025.
Trao đổi với Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc ký hợp đồng đối với giáo viên trong thời gian qua chỉ là bước tạm thời nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trong đó có cả những người đã nghỉ hưu, chưa có việc làm hoặc chưa là viên chức ở đơn vị nào. Đây là những hợp đồng theo năm học nhằm bù đắp thiếu hụt giáo viên. Việc ký hợp đồng cũng căn cứ theo năm tài chính, nên đến ngày 31.12 là hết năm tài chính. Muốn có kinh phí chi trả cho học kỳ II, các đơn vị phải gia hạn hợp đồng, bố trí thêm kinh phí.
Hiện đang có sự chênh lệch giữa hai hình thức: Hợp đồng theo năm tài chính (từ đầu năm đến cuối năm) và hợp đồng thực tế theo năm học (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau). Nguyên tắc là ký theo năm học, nhưng chỉ tính thời gian học chính khóa, được chi trả từ ngân sách tỉnh. Còn thời gian nghỉ hè, nếu các trường có nhu cầu thì phải tự bảo đảm kinh phí.
Tỉnh cũng đang giao Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp nhu cầu, đề xuất của các địa phương để căn cứ vào quy định pháp luật, từ đó có hướng giải quyết phù hợp và giải thích thêm cho giáo viên - đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay.
Chi hàng chục tỉ đồng trả tiền lương
Liên quan đến việc giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111, trước đó, nhiều trường hợp bị chậm trả lương từ tháng 1.2025 đến tháng 3.2025.
Để giải quyết vấn đề này, cuối tháng 3.2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí hỗ trợ chi trả lương, phụ cấp và các khoản đóng góp cho lao động hợp đồng làm giáo viên (đợt 1 năm 2025). Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ gần 53 tỉ đồng, lấy từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2025 (kinh phí tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 và các nhiệm vụ phát sinh khác).
Theo đó, có 14 địa phương được nhận kinh phí hỗ trợ trong đợt 1. Một số địa phương có mức hỗ trợ lớn như huyện Hoằng Hóa (hơn 10 tỉ đồng), huyện Quảng Xương (hơn 7 tỉ đồng), thị xã Nghi Sơn (hơn 5 tỉ đồng), huyện Bá Thước (hơn 4,5 tỉ đồng)…
Sở Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác, tính pháp lý, số liệu báo cáo và việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, định mức theo đúng quy định.
Đối với UBND các huyện, thị xã được bổ sung kinh phí có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng chế độ, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí và thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
https://laodong.vn/cong-doan/thanh-hoa-chi-gan-53-ti-dong-tra-luong-giao-vien-hop-dong-1502197.ldo