Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 11:06 19/03/2023 (GMT+7)
Về lâu dài, nên để người lao động rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần

Bàn về 2 phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, trao đổi với PV Lao Động ngày 15.3, TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng - về mặt lâu dài, nên áp dụng phương án chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần theo lộ trình.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Bùi Sỹ Lợi nhắc lại, năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1.1.2016), Điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH 1 lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Song quy định này khiến nhiều công nhân phản ứng, ngừng việc tập thể.

Quốc hội khi đó mới ra Nghị quyết 93/2015/QH13 cho bảo lưu Điều 60, có nghĩa là cho giữ lại cơ chế của Luật BHXH 2016.

Chính vì lẽ đó, từ khi luật có hiệu lực thi hành đến nay, giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút một lần. Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Với 2 phương án theo đề xuất, đến thời điểm hiện tại vẫn đang lấy ý kiến của người lao động, dù phương án 1 hay phương án 2 đều phải thoả mãn được điều kiện đó là đa số người lao động phải đồng thuận với chính sách của nhà nước. 

Vậy nên, cần phải tuyên truyền, giải thích để người lao động thấy rằng - họ phải suy nghĩ 1 cách lâu dài. 

"Rút BHXH 1 lần khi khó khăn để chăm lo cuộc sống hiện tại tôi cho rằng chỉ là lợi trước mắt, hại lâu dài. Chúng ta nên áp dụng phương án 2 theo lộ trình" - TS Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Nhà nước là cơ quan bảo hộ cho chính sách BHXH nên tiền lương của người về hưu thấp hơn đời sống tối thiểu thì Nhà nước vẫn bù. Như việc thực hiện tăng lương hưu cho những người về hưu trước năm 1993 và 1995 có mức hưởng thấp.

Nên thuyết phục, tuyên truyền, vận động để người dân lựa chọn, thấy được phương án nào lợi hơn. Cả 2 phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, nhưng theo quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi, phương án 2 sẽ có lợi cho người lao động hơn.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Văn Tuyên - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho hay - quan điểm của anh là không chọn rút BHXH 1 lần.

Thay vì chọn rút BHXH 1 lần, nhiều công nhân vẫn muốn tham gia hệ thống BHXH. Ảnh: Minh Hương.
Thay vì chọn rút BHXH 1 lần, nhiều công nhân vẫn muốn tham gia hệ thống BHXH. Ảnh: Minh Hương.

"Tham gia bảo hiểm xã hội 12 năm, tôi mong muốn sau này có khoảng lương hưu để khi về già không phải phụ thuộc vào con cái. Nếu không còn làm việc ở công ty, tôi vẫn sẽ chọn cách tham gia BHXH tự nguyện để có chế độ hư trí" - anh Tuyên nói.

Thời gian qua, theo ghi nhận có rất nhiều bạn đọc đồng tình với phương án 1 theo đề xuất, phản ứng mạnh với phương án 2. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đồng tình với phương án rút 50% BHXH 1 lần. 

Chị Nguyễn Thị Nga - công nhân may mặc làm việc ở Cụm công nghiệp Ngọc Hoà (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết - rút 50% để giải quyết khó khăn trước mắt, số còn lại bảo lưu khi đến tuổi hưu phần nào giúp người lao động có hưu trí. "Theo tôi, đây là phương án nhân văn, lâu dài của Nhà nước" - chị Nga nói.

Trước đó, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất không hạn chế rút BHXH 1 lần, song đề xuất hai phương án rút BHXH. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành.

Đối với phương án thứ 2, người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.

 
Theo quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi nên chọn phương án 2 để về sau NLĐ vẫn có lương hưu. Ảnh: Minh Hương. 

Cơ quan chuyên môn đánh giá cách này giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng - phương án này sẽ có lợi ích lâu dài song sẽ nhận được phản ứng mạnh từ người lao động.

Nên chọn rút bảo hiểm xã hội theo phương án nào?

Bạn đọc có thể để lại bình luận dưới bài viết hoặc có ý kiến gửi về Email: toasoan@laodong.com.vn.

https://laodong.vn/cong-doan/ve-lau-dai-nen-de-nguoi-lao-dong-rut-50-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-1158958.ldo

MINH HƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: