Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi đề xuất bỏ đại học quốc gia và vùng
Góp ý vào Dự án Luật giáo dục đại học sửa đổi, có ý kiến đề xuất bỏ mô hình đại học quốc gia và đại học vùng.
Sáng 14.5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Ông Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng - cho rằng, hiện trên thế giới gần như không xuất hiện mô hình đại học hai cấp, nghĩa là không có các "trường đại học trong đại học".
Còn tại Việt Nam, năm 1995-1996, mô hình đại học quốc gia ra đời. Một số đơn vị đưa nhiều trường thành viên vào và lập rất nhiều khoa.
Những năm qua, các khoa này lần lượt trở thành trường thành viên. Có những trường thành viên nho nhỏ, quy mô chỉ khoảng 100 giáo viên với vài nghìn sinh viên cũng ra đời.
Điều này khiến các trường thành viên không thể phát triển, đồng thời rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", vừa chịu sự quản lý của đại học và của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy là trái với nguyên tắc tự chủ đại học.
"Khi chúng tôi nói chuyện với một số chuyên gia nước ngoài, chúng tôi không biết nên giải thích thế nào về mô hình "trường đại học" trong "đại học" (university in university) đang tồn tại ở trong nước" - ông Hải đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, mô hình đại học 2 cấp đang vướng mắc, cần phải rà soát.
Dưới góc nhìn là người làm chuyên môn, ông Linh cho hay, khó nhất của mô hình đại học không phải về quản lý, mà khi làm việc với đối tác nước ngoài.
Ông Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp
"Họ đến, tôi giới thiệu là trường đại học, ở trên tôi lại có một trường đại học nữa. Nước ngoài họ không hiểu giáo dục đại học Việt Nam như thế nào khi có trường đại học trong đại học. Chúng tôi lại phải giải thích đại học ở trên như một cái ô" - ông Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Trong dự thảo báo cáo về tác động của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận việc này gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Về điều này, ông Bùi Xuân Hải cho rằng, nếu đã xác định các trường đại học thành viên, hãy để họ tự chủ như các trường độc lập khác, không cần "cái ô bên trên" (đại học cấp trên) như hiện nay.
Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cũng cho rằng, chỉ nên phát triển trường trong đại học, theo tên gọi quốc tế là "school", chứ không nên để trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân trong đại học.
"Nên bỏ các đại học quốc gia và các đại học vùng, chúng ta phát triển hợp nhất các trường đại học nhỏ vào đại học quốc gia và đại học vùng vào cho xứng tầm" - ông Hải nói và khẳng định, nếu duy trì các trường đại học quá bé sẽ triệt tiêu tiềm lực đầu tư phát triển về đội ngũ, tài chính.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Ảnh: Trần Hiệp
Liên quan đến ý kiến của ông Hải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, mô hình đại học hai cấp đã được đưa ra thảo luận nhiều.
Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định, đây không phải là chuyện bỏ đại học quốc gia và vùng. Những đơn vị này được nhà nước quản lý, có sứ mạng, vị thế riêng.
"Ở đây, chúng ta bàn về việc quản trị bên trong chứ không phải vấn đề bỏ đại học quốc gia và vùng. Chúng ta phải xem cải tiến mô hình đó thế nào" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Theo Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm đại học và trường đại học khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Việt Nam hiện có 10 đại học. Ngoài 5 đại học quốc gia và đại học vùng còn có Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Duy Tân và Đại học Phenikaa. Các đại học này có trường (school) và khoa trực thuộc, chứ không có trường đại học thành viên.
https://laodong.vn/giao-duc/bo-giao-duc-va-dao-tao-phan-hoi-de-xuat-bo-dai-hoc-quoc-gia-va-vung-1506858.ldo
Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)