Cải cách tiền lương, chính sách đãi ngộ để giữ chân cán bộ y tế và giữ lửa niềm tin
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ cần nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ cần nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế. Ảnh: VGP
Cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới diễn ra ngày 8.7, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì đã phát đi một tín hiệu rất đáng mừng.
Đó là việc Phó Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm.
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến cải cách ngành y, người ta thường tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, tự chủ bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, điều khiến hệ thống y tế nhiều lần “chao đảo” lại không nằm ở máy móc, thiết bị, mà ở chính những con người vận hành nó.
Việc nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển nghề trong giai đoạn sau đại dịch là lời cảnh báo rõ ràng: nếu không “giữ chân” được người thầy thuốc bằng chế độ xứng đáng, mọi đầu tư khác đều có thể vô nghĩa.
Thêm nữa, thực tế cho thấy, y tế là nghề có rủi ro cao, áp lực lớn, đòi hỏi chuyên môn sâu và thời gian đào tạo kéo dài.
Thế nhưng, tiền lương của cán bộ y tế hiện nay vẫn “cào bằng” với nhiều ngành nghề khác, trong khi yêu cầu thì ngày càng khắt khe, luôn đòi hỏi sự khác biệt.
Trong bối cảnh đó, việc Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ các đột phá về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ là tín hiệu tích cực cho thấy, Nhà nước đang bắt đầu nhìn nhận đội ngũ y tế không chỉ như một lực lượng phục vụ, mà như một “trụ cột nhân lực” trong chính sách phát triển con người.
Nếu lần này, các nội dung cải cách về đãi ngộ được lượng hóa, thể chế hóa và triển khai nghiêm túc, thì đây sẽ tạo một bước ngoặt lớn.
Đặc biệt trong bối cảnh, theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025-2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở.
Khi người thầy thuốc không còn bị đặt trong hoàn cảnh phải chọn giữa lý tưởng và cơm áo, họ sẽ yên tâm hơn để làm đúng và làm tốt vai trò của mình.
Nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế không chỉ là sự khích lệ, mà là lời cam kết rõ ràng: chăm sóc sức khỏe người dân phải bắt đầu từ chăm lo đời sống cho người làm nghề y.
Chúng ta không thể nói đến chăm sóc sức khỏe toàn dân trong kỷ nguyên mới nếu vẫn để bác sĩ cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc, sống bằng mức lương không đủ trang trải cuộc sống, hoặc làm việc trong môi trường thiếu thốn.
Cũng không thể kỳ vọng vào sự cống hiến vô điều kiện của đội ngũ cán bộ y tế các tuyến nếu điều kiện làm việc, sinh sống không được cải thiện rõ ràng.
Cải cách tiền lương và chế độ đãi ngộ, không chỉ nhằm "giữ chân" những người làm nghề y mà còn giúp "giữ lửa" niềm tin của toàn xã hội vào hệ thống y tế công lập.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cai-cach-tien-luong-chinh-sach-dai-ngo-de-giu-chan-can-bo-y-te-va-giu-lua-niem-tin-1537207.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)