Cán bộ Đà Nẵng vượt sóng, ngược núi để gần dân hơn
Đà Nẵng - Giữa muôn vàn thiếu thốn, những cán bộ cơ sở nơi núi cao, đảo xa vẫn lặng lẽ vượt khó từng ngày, mang chính quyền đến gần dân hơn.
Xây dựng hệ thống hành chính trực tuyến
Đầu tháng 7, ông Nguyễn Hồng Lai - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam (cũ) - lặng lẽ vượt 50km ngược núi để nhận nhiệm vụ mới: Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân, một trong những xã miền núi mới thành lập thuộc TP Đà Nẵng.
Bốn bề là rừng núi, dân cư sống rải rác, nhiều nơi còn thiếu điện, thiếu nước, đường sá chia cắt, sóng điện thoại chập chờn… Thế nhưng, việc đầu tiên ông làm không phải sắp xếp lại bàn ghế, mà là chỉ đạo lắp đặt hệ thống wifi công cộng để người dân có thể kê khai, nộp hồ sơ hành chính trực tuyến.
Cán bộ các xã miền núi ở TP.Đà Nẵng vượt khó, tận tụy phục vụ đồng bào từ ngày đầu sáp nhập. Ảnh: Trường An
Chỉ vài ngày sau, thanh niên tên Hồ Văn Lợi đã khai sinh cho con trên hệ thống trực tuyến. “Tôi chỉ mất 15 phút để hoàn tất hồ sơ. Cán bộ xã hướng dẫn tận tình như người thân trong nhà,” anh Lợi cho hay.
Xã Trà Tân được thành lập từ hai xã Trà Tân cũ và Trà Giác, với diện tích hơn 183 km² và dân số hơn 6.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng tại Trà Giác cũ, hơn 50% dân số là hộ nghèo, để đến Trung tâm xã có khi phải mất cả ngày trời băng rừng, vượt núi. Trong điều kiện ấy, việc bà con có thể dễ dàng hoàn thành hồ sơ điện tử là bước chuyển vượt bậc chưa từng có.
Không có đường núi hiểm trở như Trà Tân, nhưng xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) lại bị chia cắt bởi sóng gió, cách đất liền 15km. Sau sáp nhập, nơi đây được tăng cường thêm 17 cán bộ từ TP Hội An (cũ) ra đảo để chuẩn hóa mô hình chính quyền mới.
17 cán bộ TP. Hội An (cũ) gói ghém hành lý, tăng cường ra xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) công tác, phục vụ người dân. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Nhà khách chỉ có 5 phòng, nhiều cán bộ tăng cường phải ở nhờ dân, tự đi chợ, nấu ăn. Nhưng mỗi sáng, họ vẫn đều đặn mở cửa tiếp dân, hỗ trợ kê khai đất đai, hộ tịch... “Khó mấy cũng làm được, miễn sao bà con không phải vào đất liền chỉ để nộp một bộ hồ sơ,” ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã - chia sẻ.
Giữ nhịp chính quyền nơi núi cao, đảo xa
Ngày 8.7, ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - đã có buổi kiểm tra thực tế tại xã Nam Trà My - xã miền núi mới thành lập, với hơn 7.600 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 82%. Xã hiện còn 10% hộ nghèo, hơn 120 hộ chưa có điện sinh hoạt an toàn, nhiều điểm chưa có sóng 4G ổn định.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Nam Hưng kiểm tra thực tế tại Trung tâm dịch vụ công xã Nam Trà My. Ảnh: Trung Lê
Theo báo cáo địa phương, hạ tầng công nghệ còn thiếu thốn, chưa có trung tâm điều hành số, thiết bị công nghệ thông tin lạc hậu, trình độ cán bộ còn hạn chế… Đây cũng là trăn trở chung của những cán bộ miền núi trước cuộc cải cách lớn.
"Cán bộ xã giờ phải làm việc như cấp huyện trước đây. Bất chấp những hạn chế về năng lực, hạ tầng… chúng tôi vẫn cố gắng từng ngày, đoàn kết vượt khó để phục vụ tốt nhất cho người dân. Song song, Thành phố cần có giải pháp đầu tư đồng bộ, tập huấn cán bộ, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, tránh tình trạng mô hình mới nhưng hạ tầng lại cũ" - Bí thư xã Trà Tân - ông Nguyễn Hồng Lai - trải lòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Nam Hưng nhấn mạnh: “Chính quyền thành phố không để anh em tuyến xã đơn độc trong cuộc cải cách lớn này”. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
https://laodong.vn/thoi-su/can-bo-da-nang-vuot-song-nguoc-nui-de-gan-dan-hon-1537124.ldo
Hoàng Bin (BÁO LAO ĐỘNG)