Chậm trễ kết luận thanh tra gây nhiều hệ lụy khó lường
Đại biểu Quốc hội cho rằng, nên quy định rõ thời gian cho từng nội dung, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 8.5, đại biểu Quốc hội đã có thảo luận tổ, đóng góp ý kiến về 3 dự án Luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật Thanh tra (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận tổ về 3 dự án Luật. Ảnh: Quochoi
Liên quan đến Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận - ĐBQH tỉnh Yên Bái đánh giá, việc sửa đổi Luật vào thời điểm này là kịp thời nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, đại biểu Luận cũng nêu ra một số nội dung cần tiếp tục được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Theo quy định tại Điều 18, Luật Thanh tra (sửa đổi), kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh được lập sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, định hướng chương trình thanh tra hàng năm và kế hoạch thanh tra của thanh tra Chính phủ.
"Tuy nhiên bây giờ chúng ta lại thêm một bước là xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra tỉnh đã có kế hoạch chi tiết. Điều này có thể tạo ra một thủ tục hành chính không cần thiết", đại biểu Luận nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đóng góp ý kiến vào Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Quochoi
Đại biểu Luận cho rằng, thanh tra tỉnh chỉ thanh tra các nhiệm vụ, hoạt động của địa phương. Chính vì vậy, việc thanh tra Chính phủ cho ý kiến chi tiết về kế hoạch thanh tra này sẽ rất khó, bao gồm cả nguồn lực và thời gian.
"Còn nếu giữ nguyên như hiện tại thì phải quy định rõ, sau khi gửi xin ý kiến thì bao giờ thanh tra Chính phủ trả lời, phải rõ ràng về thời gian, không để xảy ra tình trạng dưới thì chờ mà trên thì cứ ngâm", đại biểu Luận nói và đề nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét nội dung này.
Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam (tổ phó tổ số 5) đồng tình với ý kiến trên và cho rằng rất sát thực tiễn.
Theo đại biểu Dũng, để thanh tra Chính phủ cho ý kiến chi tiết tất cả kế hoạch thanh tra của các tỉnh thì sẽ rất lâu - "có khi hết năm mà kế hoạch thanh tra chưa được phê duyệt để tiến hành thanh tra", đại biểu Dũng nói.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Dũng cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh có thể phê duyệt kế hoạch, triển khai thực hiện và kết luận cuộc thanh tra. Khi đã có kết quả kết luận, thanh tra tỉnh sẽ trình thanh tra Chính phủ xem xét, thẩm định.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị phải có quy định rõ ràng về thời gian đưa ra kết luận kết quả thanh tra.
"Thực tế đã có những vụ thanh tra mất tới 5 năm mới đưa ra kết luận, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, liên quan đến công tác cán bộ, trong thời gian đang thanh tra, kiểm tra, cán bộ không được xem xét trong quy hoạch để bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử.
Nếu bây giờ việc thanh tra kéo dài tới vài năm thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ", Đại biểu Lê Văn Dũng nói.
Đại biểu Lê Văn Dũng cho ý kiến. Ảnh: Quochoi
Tiếp tục góp ý về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân - ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, phải xác định rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến cuộc thanh tra mà kéo dài nhiều năm không thể kết luận.
Dẫn chứng thực tế, đại biểu Huân cho biết tại Bình Dương đã có trường hợp một cuộc thanh tra kéo dài nhiều năm không thể đưa ra kết luận vì nhiều lý do.
"Tôi cũng đã chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ về vụ việc này tại cuộc họp trước. Vậy trong trường hợp không thể kết luận kết quả thanh tra, cứ gia hạn nhiều lần thì ai chịu trách nhiệm.
Điều 25 dự thảo Luật cũng có nêu, nếu cuộc thanh tra lần trước có vấn đề thì tiến hành thanh tra lại. Đã phải thanh tra lại thì có nghĩa cuộc thanh tra lần trước không tốt, ai chịu trách nhiệm cho điều này", đại biểu Huân nêu ý kiến.
Đại biểu Huân cho rằng, trong vấn đề như trên "quy định thì chặt chẽ nhưng chế tài thì chưa cụ thể", đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu để xem xét, bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
https://laodong.vn/thoi-su/cham-tre-ket-luan-thanh-tra-gay-nhieu-he-luy-kho-luong-1503541.ldo
Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)