Thời sự
Cập nhật lúc 02:22 22/05/2025 (GMT+7)
Chính phủ nghe báo cáo về phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Phiên họp của Chính phủ nghe báo cáo liên quan các Nghị định về phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chính phủ nghe báo cáo về phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Phiên họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các Nghị định về phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Ngày 22.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến xây dựng 2 Dự án luật và 4 Đề nghị xây dựng Luật.

Đồng thời nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các Nghị định về phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt thời gian qua, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đây vẫn được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đơn cử như những vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 197, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140 để kịp thời triển khai, đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc sửa đổi luật được thực hiện theo tinh thần 6 rõ. Cùng với đó, xây dựng pháp luật trên tinh thần 7 rõ.

Trên tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình, ủng hộ” thì luật hóa, áp dụng vào thực tiễn.

Những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận vào các nội dung được đưa ra tại phiên họp, đảm bảo khoa học, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình trao đổi, thảo luận; trình bày báo cáo, phát biểu rõ ràng ý kiến.

Tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm chất lượng của các dự án Luật được trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 30 dự án luật, nghị quyết quan trọng.

https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-nghe-bao-cao-ve-phan-quyen-gan-voi-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-1510837.ldo

ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: