Chuyên gia cảnh báo về đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội liên tục lập đỉnh trong hơn 1 tháng nay và đã ghi nhận 3 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán, trong khoảng tháng 10, tháng 11, số lượng bệnh nhân còn tăng cao hơn nữa.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội liên tục lập đỉnh trong hơn 1 tháng nay. Ảnh: Khánh Linh
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng. Chỉ tính riêng trong tuần qua (11-17.9), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện.
Trong đó, huyện Phú Xuyên là địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong tuần vừa qua, với 163 ca. Tiếp đến là Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca)...
Cũng theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong cũng ghi nhận con số tương tự khi so với cùng kỳ năm 2022.
Trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Duy Cương - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: “Hiện số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm 1/3 số ca bệnh đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng 15-20 ca bệnh. Những ca này đa số là các ca bệnh nặng, có dấu hiệu cảnh báo và có các biểu hiện sốc hoặc xuất huyết nặng”.
Theo ông Cương, các bệnh nhân nằm cấp cứu trong tình trạng có biểu hiện chảy máu, xuất huyết tiêu hoá hoặc có biểu hiện suy đa phủ tạng. Một số trường hợp có biểu hiện sốc, giảm thể tích vì máu bị cô đặc.
Tính đến nay đã ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Đa số những trường hợp này có điểm chung là được đưa đến bệnh viện khi đã quá muộn và bệnh nhân có những biểu hiện nặng như sốc và suy đa phủ tạng.
Các bệnh nhân hiện đang điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, ngoài dấu hiệu cảnh báo thì còn có dấu hiệu trên một số cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, hoặc các bệnh nhân mắc bệnh nền như bệnh phổi, bệnh thận hoặc bệnh ung thư thì đó là những đối tượng cần theo dõi đặc biệt.
“Năm nay là một trong những năm bệnh sốt xuất huyết đến khá sớm và hiện tại đã chạm đỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán, trong khoảng tháng 10, tháng 11, số lượng bệnh nhân còn tăng cao hơn nữa.
Sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khoẻ mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Theo đặc tính của bệnh, từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 là giai đoạn sốt và từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm.
Cho nên người bệnh phải hết sức lưu ý trong những ngày này, nếu có các dấu hiệu cảnh báo như sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời” - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Về mặt sinh bệnh học, vị bác sĩ lưu ý có 2 cơ chế trong sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu và vấn đề thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, dẫn đến hiện tượng cô đọng máu rồi tụt huyết áp và đi vào sốc. Đáng nói, 2 cơ chế này không đi đôi với nhau, có nhiều trường hợp dù tiểu cầu chưa hạ nhưng đã rơi vào trạng thái nguy hiểm.
“Hiện nay đang mùa mưa, là điều kiện để muỗi sinh sản, phát triển. Cũng là mùa mà học sinh, sinh viên các trường tập trung về trường học, các khu nhà trọ, các khu đông dân cư là điều kiện để các ổ dịch bùng phát.
Bên cạnh Hà Nội, hiện các tỉnh lân cận cũng đã bắt đầu xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết. Bệnh này hiện chưa có vaccine, lại diễn biến hằng năm nên người dân cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh, đồng thời giữ môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để cho muỗi sinh sôi này nở dễ phát tán bệnh” - vị chuyên gia nói thêm.
https://laodong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-canh-bao-ve-dinh-dich-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-1245165.ldo
KHÁNH LINH (BÁO LAO ĐỘNG)