Danh sách trụ sở 2 phường mới ở quận Tây Hồ sau sắp xếp
Hà Nội - Trụ sở của 2 phường mới ở quận Tây Hồ dự kiến được đặt tại trụ sở UBND quận và trụ sở UBND phường Phú Thượng.
Danh sách trụ sở 2 phường mới ở quận Tây Hồ sau sắp xếp. Ảnh: Hữu Chánh
Phường Tây Hồ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Bưởi (thuộc quận Tây Hồ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An (thuộc quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (thuộc quận Tây Hồ); Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy).
Dự kiến sử dụng trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Tây Hồ hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Tây Hồ mới.
Về lý do lấy tên phường mới, Tây Hồ gắn với địa danh Hồ Tây, với vẻ đẹp đã đi vào truyền thuyết, thi ca, lịch sử. Từ thời Lý - Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa đời nhà Lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thụy Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An.
Ngày nay, hồ Tây được rất nhiều du khách biết đến, không những là một danh thắng nổi tiếng mà xung quanh hồ còn quy tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều khu du lịch vui chơi, giải trí, cùng với nhiều biệt thự sang trọng, soi bóng xuống gương hồ xanh thơ mộng. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Tây Hồ bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa; đồng thời phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).
Phường Phú Thượng được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Thượng (thuộc quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Xuân La (thuộc quận Tây Hồ); Xuân Tảo, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh (thuộc quận Bắc Từ Liêm).
Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND - UBMTTQ phường Phú Thượng hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Phú Thượng mới.
Về lý do lấy tên phường mới, Phú Thượng là vùng đất cổ từ lâu đã gắn bó với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Nằm ở phía tây Hồ Tây, phường Phú Thượng là một dải đất ven sông Hồng. Nhân dân Phú Thượng có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, bên cạnh việc trồng lúa nước còn có nghề trồng dâu chăn tằm kéo tơ cung cấp cho các làng dệt vùng Bưởi.
Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Phú Thượng bảo đảm yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
https://laodong.vn/thoi-su/danh-sach-tru-so-2-phuong-moi-o-quan-tay-ho-sau-sap-xep-1510572.ldo
KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)