Để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của chuyển đổi xanh
“Đối với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” nói riêng và quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên toàn quốc nói chung, khi được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, thì tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Chuyển đổi xanh không còn là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc. Ảnh đồ họa: PHƯƠNG ANH
Thay đổi trong ý thức cộng đồng
Theo TS. Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). ẢNH: NGUYỄN HÀ - PHƯƠNG ANH
Tiến sĩ Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, thực tế, khái niệm "phát thải ròng bằng 0" có thể gây ra một số hiểu lầm rằng đây là trạng thái không phát thải. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu phát thải khí nhà kính vẫn tồn tại và được xem là quyền chính đáng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát thải ròng bằng “0” có nghĩa là lượng phát thải được tạo ra sẽ tương đương với lượng khí nhà kính được hấp thụ hoặc bù đắp. Để đạt được trạng thái này, nền kinh tế phải trải qua một giai đoạn phát triển, trong đó phát thải vẫn gia tăng cho đến khi đạt mức đỉnh. Nói cách khác, tại thời điểm đó, lượng khí thải ra môi trường sẽ đạt mức cao nhất trước khi bước vào giai đoạn giảm dần.
Việt Nam dự kiến đạt mức phát thải đỉnh vào khoảng giai đoạn 2035 - 2040. Sau thời điểm này, các biện pháp giảm phát thải sẽ được triển khai nhanh chóng và bền vững, hướng tới mục tiêu vào năm 2050, khi lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính đạt mức cân bằng. Đây cũng là định nghĩa chung về "phát thải ròng bằng 0".
Theo ông Huy, nhận thức của người dân và cộng đồng về mục tiêu này đang dần được nâng cao. Cộng đồng ngày càng chú trọng đến các hoạt động trực tiếp và gián tiếp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và thương mại… Việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, đã góp phần đáng kể vào việc cắt giảm lượng phát thải.
“Người dân không chỉ tham gia vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại các doanh nghiệp và tổ chức khác nhau. Đáng chú ý, nhận thức của các doanh nghiệp về phát triển bền vững đã có sự chuyển biến tích cực. Họ không chỉ hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà còn tích cực thực hiện các chiến lược kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường” – TS. Lương Quang Huy phân tích.
Yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp Việt
Chuyển đổi xanh hiện nay không còn là một sự lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp nào không thực hiện yêu cầu chuyển đổi xanh trong thời gian tới sẽ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). ẢNH: NGUYỄN HÀ - PHƯƠNG ANH
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quá trình chuyển đổi xanh không thể thực hiện một cách đứt quãng hoặc quá dồn dập. Thay vào đó, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện chuyển đổi xanh một cách tốt nhất.
Một trong những lời khuyên quan trọng đối với doanh nghiệp là: Chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược và bắt buộc phải thực hiện, do đó mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. Nếu chuyển đổi quá nhanh, chi phí đầu tư cao sẽ khiến doanh nghiệp không đủ năng lực cạnh tranh. Ngược lại, nếu chuyển đổi quá chậm, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường.
Do vậy, quá trình lập kế hoạch, tổ chức triển khai cần cùng nhịp với các yêu cầu về hàng rào phi thuế quan trên thế giới, hàng rào kỹ thuật cũng cần được nắm bắt thông qua các hiệp hội liên quan đến ngành hàng như hàng không, hàng hải, dệt may, thép, xi măng, hóa chất – để kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu mới.
Song hành cùng chuyển đổi số
Tại lễ phát động “Chuyển đổi xanh – Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững” do báo Lao động tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành đã dẫn lại quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng, ông cho biết, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số được xác định là hai yếu tố mang tính nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Theo TS. Lương Quang Huy, quá trình chuyển đổi xanh luôn gắn liền với chuyển đổi số. Đây là hai xu hướng toàn cầu và không thể đảo ngược. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện song hành hai quá trình này. Đây là lợi thế lớn, bởi chuyển đổi số sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học - công nghệ, đảm bảo nguồn thông tin, dữ liệu, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin dữ liệu vào quá trình chuyển đổi xanh.
Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ hỗ trợ quá trình ban hành chính sách mà còn giúp triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn quốc và trong mọi lĩnh vực.
“Chuyển đổi số hỗ trợ về mặt đầu vào cho quá trình chuyển đổi xanh, và ngược lại quá trình chuyển đổi xanh thực hiện được hiệu quả đến đâu, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ vào việc đánh giá, cải thiện tốt hơn quá trình chuyển đổi xanh một cách tối ưu nhất và trong thời gian ngắn nhất” – Ông Huy phân tích.
Theo TS. Lương Quang Huy, hiện nay, có nhiều giải pháp được đề xuất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải. Việc chuyển đổi từ công nghệ phát thải cao sang công nghệ phát thải thấp, thậm chí không phát thải, là một trong những giải pháp then chốt để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.
Đối với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” nói riêng và quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên toàn quốc nói chung, khi chúng ta thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả thì tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Một thách thức đặt ra là quá trình chuyển đổi số, với việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ và thiết bị điện tử, cũng có thể dẫn đến gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Một số nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng nếu không được kiểm soát hợp lý, chuyển đổi số có thể góp phần vào ô nhiễm môi trường.
Do đó, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực hỗ trợ chuyển đổi xanh, chúng ta cần đẩy mạnh việc tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, thân thiện với môi trường, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ giữa các công cụ công nghệ. Chỉ khi hai quá trình này được lồng ghép một cách hài hòa và hiệu quả, chúng ta mới có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng một xã hội sống sạch, sống xanh.
PGS.TS HOÀNG ANH LÊ - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
https://laodong.vn/xa-hoi/de-moi-nguoi-dan-deu-duoc-thu-huong-thanh-qua-cua-chuyen-doi-xanh-1500166.ldo
Nguyễn Hà - Phương Anh (báo lao động)