Định hướng nội dung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
Ngày 15.7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị định hướng nội dung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Hội nghị định hướng nội dung phản biện xã hội đối với dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Thế Quảng
TS Nguyễn Quỳnh Liên - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội và GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và pháp luật chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, các ban đặc thù của các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đánh giá cao chất lượng và tinh thần đổi mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), PGS.TS Hoàng Xuân Lâm - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X nhận định, dự thảo lần này thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng một hệ thống chính sách có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động.
PGS.TS Hoàng Xuân Lâm cho biết, bố cục và kết cấu của dự thảo gồm 9 chương với 50 điều được sắp xếp một cách logic, hợp lý. Các mục tiêu, nội dung và giải pháp cơ bản trong dự thảo đã bao quát được những vấn đề cốt lõi của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với định hướng đổi mới toàn diện lĩnh vực này.
Tuy vậy, ông Lâm cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Tại Điều 12 về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cần bổ sung quy định về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ mở mã ngành đối với các chương trình cấp văn bằng, chứng chỉ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định và vượt qua đánh giá kiểm định chất lượng. Việc này không chỉ giúp nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy công tác kiểm định chất lượng một cách thực chất và hiệu quả hơn.
“Cần bổ sung một điều riêng về “Nhà đầu tư”, trong đó làm rõ khái niệm, trách nhiệm và quyền hạn của chủ thể này trong các cơ sở GDNN có yếu tố xã hội hóa. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch trong đầu tư, đồng thời tránh những mâu thuẫn nội bộ giữa các bên liên quan sau khi luật được ban hành và đi vào triển khai. Nếu không có quy định cụ thể, rất dễ phát sinh tranh chấp trong điều hành nhà trường cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền”, ông Lâm đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Phương - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang nhấn mạnh tới vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế, vì vậy, điều 5 cần nói rõ hơn nữa tới vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực bởi thực tế, khi doanh nghiệp mở các trường dạy nghề sẽ đáp ứng nhu cầu lao động của chính doanh nghiệp đó và họ có thể tạo ra triển vọng mới trong thị trường lao động thời gian tới.
Đề cập tới thực tế việc tuyển sinh vào lớp 10 trong những năm gần đây, ông Phương cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật phải tạo được sự chuyển biến rõ trong phân luồng học sinh bởi hoạt động tuyển sinh vẫn là một cuộc đua quyết liệt và tạo sự căng thẳng đối với phụ huynh và học sinh.
“Một trong những lý do phân luồng chậm là do chủ trương đầu tư xây dựng trường vẫn chưa được đầu tư thực sự, bởi vậy cần đưa ra quy chuẩn đối với trường Phổ thông, trường Trung cấp nghề”, ông Phương lý giải và cho rằng cũng cần phải làm rõ những quy định về chuẩn mực đào tạo đối với giáo viên, phải lượng hóa cụ thể năng lực, trình độ để cấp cơ sở quản lý thuận tiện hơn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Đường đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục chỉnh sửa nội dung dự thảo để tạo chuyển biến mới trong lĩnh vực giáo dục, dự thảo luật phải tạo sự liên kết đối với Hiến pháp và các Luật liên quan tới lĩnh vực giáo dục và khẳng định được tính hợp hiến và hợp pháp của dự thảo Luật.
“Hệ thống cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề phải được quy định cụ thể hơn; việc phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần được làm rõ hơn; chương trình đào tạo cần thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, nhất là cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng với thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông Đường gợi mở.
https://laodong.vn/mat-tran/dinh-huong-noi-dung-phan-bien-xa-hoi-doi-voi-du-thao-luat-giao-duc-nghe-nghiep-sua-doi-1540530.ldo
Quế Chi (BÁO LAO ĐỘNG)