Thời sự
Cập nhật lúc 06:34 24/05/2025 (GMT+7)
Doanh nghiệp Đà Nẵng khát nhân lực, nhìn mặt là gọi đi làm

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng đang đối mặt với bài toán nan giải về thiếu hụt nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp Đà Nẵng khát nhân lực, nhìn mặt là gọi đi làm
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc công ty Daiwa Việt Nam tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2025 tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông

Tình trạng khan hiếm lao động, đặc biệt là công nhân lành nghề và kỹ sư, đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp tại Đà Nẵng, điển hình là Foxlink và Daiwa. Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Đối thoại để tháo gỡ - Kết nối để phát triển", bà Ngô Phẩm Trân - cố vấn Tập đoàn Điện tử Foxlink - cho biết dù đã ký kết hợp tác với hầu hết các trường đào tạo trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, số lượng lao động tuyển dụng được vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng khi Foxlink đang mở rộng sản xuất, cần thêm hàng ngàn công nhân trong thời gian tới. Bà Trân nhấn mạnh việc thiếu kênh thông tin hiệu quả và sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước là những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng.

Bà Trân đề nghị Sở Nội vụ hỗ trợ Foxlink tiếp cận các kênh thông tin tuyển dụng hiệu quả, cung cấp thông tin về nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phối hợp với các trường và đơn vị cung ứng lao động.

Ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty Daiwa Việt Nam - cũng chia sẻ những khó khăn tương tự. Với lượng công nhân hiện tại khoảng 3.500 người, Daiwa cũng đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng. Ông Phu cho biết, mặc dù Daiwa đã áp dụng nhiều phương pháp tuyển dụng, từ tự lực đến hợp tác với các đơn vị tuyển dụng bên ngoài, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Phu cho biết: "Nhìn qua mặt mày thấy hiền lành, không xăm trổ là gọi đi làm luôn".

Cam kết hỗ trợ kết nối

Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ cam kết sẽ hỗ trợ kết nối, tìm kiếm nguồn nhân lực, đồng thời tham mưu các văn bản gửi đến các đơn vị đào tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Sở cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều chỉnh mức lương, chế độ đãi ngộ phù hợp và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng để thu hút lao động.

Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho biết: "Hiện nay, Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DSEZA) quản lý thống nhất bốn cái trụ cột chiến lược. Thứ nhất là các Khu công nghệ cao. Thứ hai là khu công nghiệp, công ty tập trung. Thứ ba là hệ thống các khu công nghiệp và thứ tư là khu thương mại tự do.

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm là 3 khu công nghiệp đang hoạt động và 10 khu công nghiệp đã có quy hoạch ở Quảng Nam. Như vậy, chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm khoảng 5.600ha đất công nghiệp ở Quảng Nam nữa".

Ông Hùng cho rằng, đây là bước đi chiến lược và tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi DSEZA phải đổi mới mô hình vận hành. Từ đó, nâng cao năng lực điều phối, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục và cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ cộng đồng doanh nghiệp.

https://laodong.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-da-nang-khat-nhan-luc-nhin-mat-la-goi-di-lam-1511682.ldo

Nguyễn Linh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: