Thời sự
Cập nhật lúc 04:17 09/05/2025 (GMT+7)
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi còn gây nhiều tranh cãi

Theo chương trình, hôm nay (9.5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi còn gây nhiều tranh cãi
ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế. Ảnh: Đức Vân

Doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát (NGK) có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo, đặc biệt là phần thuyết minh đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này.

Ý kiến của một số chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. Đồng thời, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp NGK có đường.

Đại biểu Hòa cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 8 và một số hội thảo, tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá toàn diện bởi lẽ theo đánh giá của ngành đồ uống thì việc áp thuế đối với mặt hàng NGK có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì. Việc này không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì NGK không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ thì ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hài hòa, công bằng, thời điểm nào thì áp thuế, thuế suất bao nhiêu là hợp lý. Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế TTĐB. Cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là cả mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lo ngại bối cảnh hiện nay, chúng ta tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng nội địa, đang giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với NGK có đường sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức có thể ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá

Trong khi đó, đối với mặt hàng thuốc lá, nhiều chuyên gia lại khuyến cáo cần tăng thuế mạnh, tăng sớm. TS Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) - đã nêu rõ các nội dung về tăng thuế liệu có ảnh hưởng tới sản xuất hay ngân sách, kinh tế không? Tăng thuế có gia tăng buôn lậu thuốc lá không? Có nên giãn lộ trình tăng thuế thuốc lá không? Và câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra như trên đều là "Không".

Bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) - cho biết: Năm 2022, Việt Nam mất 108.000 tỉ đồng (1,14% GDP) vì bệnh tật, tử vong do thuốc lá. Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách.

Theo bà Hải, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong giai đoạn 2008-2019. Tuy nhiên, mức tăng còn thấp và cách biệt thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài, không đủ sức tác động đến hành vi tiêu dùng.

"Mức thuế 75% hiện hành mới chỉ tính trên giá xuất xưởng. Ví dụ với một bao thuốc bán lẻ 10.000 đồng, giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 đồng. Việc tăng thêm 5% thuế tương đương mức tăng giá chưa tới 300 đồng (3%), thấp hơn tỉ lệ lạm phát (4%) và tăng thu nhập (5%). Do đó, việc điều chỉnh này gần như không ảnh hưởng đến thói quen hút thuốc" - bác sĩ Hải nói.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Tính theo giá bán lẻ, tỉ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam mới đạt 36%, thấp hơn khuyến nghị 70-75% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) hay Singapore (67,5%).

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 15 triệu người hút thuốc. Mỗi năm, thuốc lá gây khoảng 104.300 ca tử vong do hút trực tiếp hoặc hút thuốc thụ động. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế thuốc lá hiện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động do tác hại thuốc lá gây ra.

Để tăng hiệu quả kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách thuế theo hướng đánh thuế tuyệt đối, xây dựng giá sàn và tăng mức thuế tối thiểu. WHO và Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối với mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, song song với thuế tỉ lệ hiện hành (75%).

https://laodong.vn/xa-hoi/du-thao-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-con-gay-nhieu-tranh-cai-1503816.ldo

Đức Vân (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: