Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Khởi đầu cho thế hệ hạ tầng mới
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có đủ năng lực thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ giúp đất nước giải quyết “điểm nghẽn hạ tầng chiến lược”, mà còn nâng cao thực lực và thế lực cho doanh nghiệp Việt, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân vừa được ban hành.
Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035 theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn
Cứ lo “nhỡ mà”, Việt Nam sẽ không có dự án lớn nào
Thưa ông, có những băn khoăn về hình thức đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi VinSpeed đề xuất được đầu tư trực tiếp. Một số ý kiến cho rằng, dự án trọng điểm quốc gia này cần áp dụng hình thức đầu tư công hoặc theo hình thức đối tác công tư (PPP) với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế trong nước, không nên giao cho một doanh nghiệp đầu tư. Ông nghĩ sao về vấn đề trên?
- Tôi cho rằng tư duy “công trình quốc gia thì chỉ có Nhà nước mới được làm” là cách nghĩ cũ, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Nếu có một doanh nghiệp trong nước như VinSpeed - song hành hỗ trợ là Vingroup đủ năng lực, đủ khát vọng và sẵn sàng đầu tư - thì tại sao lại không giao? Cần nhìn nhận Vingroup, với hệ sinh thái và kinh nghiệm triển khai những dự án quy mô lớn, là một trong số ít tập đoàn hội đủ điều kiện để thực hiện thành công những dự án tầm cỡ quốc gia.
Cái được khi giao dự án lớn cho doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm không chỉ là tiết kiệm vốn ngân sách nói riêng, nguồn lực quốc gia nói chung, mà theo tôi, quan trọng hơn là tốc độ và hiệu quả. Chúng ta đã thấy nhiều công trình đầu tư công chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí cực lớn và đặc biệt là làm lỡ nhịp phát triển quốc gia, khiến Việt Nam mất đi cơ hội và đặc biệt, lâm vào tình thế tụt hậu phát triển ra sao. Trong cuộc đua tranh quốc tế, chúng ta đang tụt hậu, thậm chí ngày càng xa so với những đối thủ chủ chốt. Tôi coi đây là một trong những điểm mấu chốt của khái niệm an ninh phát triển hiện đại của nước ta.
Việt Nam không thể chậm thêm được nữa. Vì thế, nếu dự án đường sắt tốc độ cao, với sứ mệnh lịch sử và chức năng đã được xác định, được đẩy nhanh hơn 5 năm, như kế hoạch của VinSpeed đề xuất, lợi ích mang lại cho toàn bộ nền kinh tế sẽ là hết sức to lớn, không thể chỉ đo đếm bằng tiền.
Tôi nhấn mạnh: Giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có đủ năng lực thực hiện dự án này là điều cần được coi là một điều kiện tiên quyết. Việc này không chỉ giúp đất nước giải quyết “điểm nghẽn hạ tầng chiến lược”, mà còn nâng cao thực lực và thế lực cho doanh nghiệp Việt. Đó là một bước đi chiến lược, không phải sự mạo hiểm. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về Kinh tế Tư nhân vừa được ban hành.
Tất nhiên, “giao” nhưng không phải “vô điều kiện”. Nguyên tắc tối cao phải tuân thủ là “bảo đảm hài hòa lợi ích” quốc gia, người dân và doanh nghiệp.
Nhưng nếu để tư nhân làm, khi dự án xảy ra rủi ro về tiến độ, chất lượng, ai chịu trách nhiệm, thưa ông?
- Trước hết, việc giao cho doanh nghiệp tư nhân dự án lớn phải dựa trên hai yếu tố nền tảng. Một là lòng tin của Nhà nước, của xã hội đối với doanh nghiệp. Hai là trách nhiệm quốc gia, ràng buộc cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Lòng tin phải gắn với trách nhiệm rõ ràng.
Điều quan trọng là phải đặt ra cơ chế ràng buộc hợp lý để hai bên cùng chia sẻ rủi ro và đảm bảo quyền lợi quốc gia. Ta không nên lo xa theo kiểu “nhỡ mà”. Mỗi dự án, theo tinh thần “lo xa”, thì thường có hàng trăm, hàng nghìn tình huống “nhỡ mà” như vậy, để rồi không dám làm gì. Nếu theo logic đó thì chắc chắn, chẳng dự án lớn nào triển khai được cả.
Có người cho rằng, để tư nhân vận hành vận tải công cộng dễ dẫn đến độc quyền, ảnh hưởng đến lợi ích hành khách. Ông nghĩ sao về lo lắng này?
PGS.TS Trần Đình Thiên nói về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Tôi cho rằng, hiểu như vậy là sai lệch bản chất vấn đề. Vận tải công cộng, kể cả khi do tư nhân thực hiện, vẫn nằm trong khung pháp lý của Nhà nước, phải chịu sự ràng buộc của các điều kiện cam kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể tự ý “độc quyền” theo kiểu làm gì cũng được. Trách nhiệm đảm bảo công bằng, lợi ích xã hội là của Nhà nước. Ở đây, cần đến một Nhà nước vừa có trí tuệ kiến tạo phát triển đúng nghĩa, vừa có trách nhiệm quốc gia một cách thực chất chứ không thể chỉ đổ hết trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Muốn vận hành hiệu quả mà vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích, cần thiết kế cơ chế quản lý minh bạch, có giám sát, có tiêu chuẩn kỹ thuật - chứ không phải chọn cách tiêu cực là không cho tư nhân làm.
Đặt niềm tin vào năng lực và trách nhiệm của doanh nghiệp
Một vấn đề nữa là việc phát triển tuyến đường sắt cao tốc vừa để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh. Nếu giao tư nhân làm thì có đảm bảo không xung đột lợi ích, thưa ông?
- Mọi quy định liên quan đến an ninh quốc phòng đều có thể và cần được ràng buộc trong hợp đồng, thiết kế kỹ thuật, phương án phối hợp…
Có hai điểm cần lưu ý: Một là xu thế thời đại, theo đó, khu vực tư nhân tham gia rất mạnh vào các hoạt động liên quan đến quốc phòng an ninh - tham gia sản xuất các sản phẩm “lưỡng dụng”, cung ứng các dịch vụ “đặc biệt”, thường gắn với công nghệ cao. Hai là hiện nay, năng lực điều hành của Chính phủ đã khác rất nhiều, không có lý do gì để “sơ suất” trong những vấn đề cốt lõi như vậy.
Cứ tuân theo cách nghĩ “cũ”, nghi ngờ, lo sợ tư nhân gây hại để loại họ ra khỏi các loại hoạt động như vậy thật sự không đúng với tinh thần của “bộ tứ chiến lược” - bốn Nghị quyết về Phát triển KHCN, về Hội nhập quốc tế, về Cải cách luật pháp và về Kinh tế tư nhân - mà Đảng vừa ban hành.
Thực tế phát triển đất nước gần đây cũng chỉ ra điều tương tự. Trước đây chúng ta đâu nghĩ để tư nhân làm sân bay. Nhưng rồi khi được Nhà nước tin tưởng giao phó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã làm và làm tốt, qua đó, giúp cho cả an ninh quốc phòng của đất nước. Bởi thế, với những dự án có tầm quan trọng an ninh quốc gia, tư duy cần có là tin tưởng giao tư nhân làm, thậm chí là giao sớm, trên tinh thần lòng tin với doanh nghiệp và Nhà nước đủ công cụ để bảo đảm các cam kết về an ninh quốc phòng được thực hiện đầy đủ nhất.
Nhưng nếu dự án lỗ thì sao? Có phải Nhà nước sẽ phải gánh lỗ như các lo ngại đang đặt ra?
- Kinh tế thị trường là đương đầu với rủi ro. Mọi dự án đều có những yếu tố “nguy cơ”. Lường tính đến hậu quả, đến lời lỗ dự án, lợi ích các bên là cần thiết. Nhưng quan trọng là phải thỏa thuận rõ ngay từ đầu các điều kiện, các khả năng có thể xảy ra, trách nhiệm mỗi bên, cơ chế giám sát rủi ro… Khi lâm vào tình huống nào thì hỗ trợ ra sao, điều kiện đi kèm là gì...
Không thể đòi hỏi phía doanh nghiệp tư nhân phải làm tất cả nhưng lại không có cơ chế san sẻ rủi ro hợp lý. Nhà nước cũng không thể “vô tư và vô can” ở đây, đặc biệt là những cá nhân hay tổ chức chịu trách nhiệm. Tinh thần ở đây là cùng đồng hành vì một mục tiêu lớn, chứ không phải đổ hết gánh nặng cho bên nào.
Theo đề xuất, dự án đường sắt này sẽ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành, kinh doanh trong 99 năm. Với thời gian dài như vậy, giả sử doanh nghiệp không thể kinh doanh tiếp thì phải xử lý ra sao, thưa ông?
- Trước hết, khi giao cho doanh nghiệp đầu tư một dự án lớn và dài hơi như vậy, mọi điều khoản ràng buộc về trách nhiệm và nghĩa vụ phải được thể hiện rõ ngay trong hợp đồng. Nếu làm được như vậy, thì câu chuyện “giả sử doanh nghiệp không thể kinh doanh tiếp” sẽ không còn là một nỗi lo mơ hồ nữa.
Quan trọng là phải có niềm tin vào năng lực và tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời đặt ra cơ chế “khử rủi ro” phù hợp. Đó mới là cách quản trị phát triển đúng đắn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tôi cho rằng, không nên tiếp cận dự án này chỉ dưới góc nhìn là một công trình giao thông đơn lẻ. Nếu làm được, đường sắt cao tốc không chỉ mang lại một tuyến vận tải mới, mà là đòn bẩy cho cả một hệ sinh thái công nghiệp - từ cơ khí chế tạo, vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, đến xây dựng, logistics… Đây là cơ hội để thiết lập một hệ sinh thái công nghiệp phức hợp, để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt, trong đó, quan trọng nhất là các doanh nghiệp tư nhân, tạo cơ sở cho nền công nghiệp vươn lên đẳng cấp mới, nâng tầm thực lực quốc gia.
Muốn làm được những điều ấy, phải có những doanh nghiệp tư nhân đủ sức gánh vác. Và muốn có doanh nghiệp như thế, thì phải cho họ cơ hội. Đó là cách tiếp cận căn bản và dài hạn.
https://laodong.vn/xa-hoi/duong-sat-cao-toc-bac-nam-khoi-dau-cho-the-he-ha-tang-moi-1510766.ldo
Minh Quang thực hiện (BÁO LAO ĐỘNG)