Giáo viên, học sinh một xã miền núi gặp khó vì chồng chéo văn bản chuẩn nông thôn mới
Kon Tum – Khi xã đạt chuẩn Nông thôn mới, các quy định về chi trả chế độ chính sách đang gây ra nhiều vướng mắc cho giáo viên và học sinh miền núi.
Xã lên Nông thôn mới, các quy định về chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh miền núi lại bị vướng mắc, chồng chéo. Ảnh: Thanh Tuấn
Ngày 23.5, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum – đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Nội vụ để xem xét, giải quyết các kiến nghị của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Trước đó, nhiều giáo viên tại xã Đăk Roong, huyện Đăk Glei phản ánh, dù sắp đến thời điểm sáp nhập huyện và tỉnh, nhưng các chế độ, chính sách dành cho giáo viên, học sinh tại các thôn đặc biệt khó khăn vẫn chưa được thực hiện.
Từ tháng 1.2022 đến nay, nhiều giáo viên và trường học chưa được chi trả chế độ dù đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng.
Theo đại diện UBND huyện Đăk Glei, trước năm 2021, xã Đăk Kroong nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4.6.2021. Tuy nhiên, đến ngày 31.12.2021, UBND tỉnh Kon Tum lại ban hành Quyết định số 696/QĐ-UBND công nhận xã Đăk Kroong đạt chuẩn Nông thôn mới.
Theo quy định, khi xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, các chế độ chính sách dành cho cán bộ, giáo viên và học sinh thuộc xã khu vực III (như xã có trên 60% hộ nghèo là dân tộc thiểu số; từ 20% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15–60 chưa biết đọc, viết tiếng phổ thông...) sẽ bị dừng từ thời điểm quyết định có hiệu lực.
Tuy nhiên, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16.9.2021 của Ủy ban Dân tộc lại xác nhận cả 6/6 thôn của xã Đăk Kroong đều thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021–2025.
Do sự chồng chéo quy định giữa các văn bản này khiến UBND huyện Đăk Glei lúng túng, không rõ các đối tượng trên có còn tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi hay không.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc cho biết, trong tháng 5.2025, tỉnh sẽ có câu trả lời chính thức cho giáo viên và học sinh miền núi liên quan đến việc có còn tiếp tục hưởng các chế độ, trên cơ sở tuân thủ các quy định và hướng dẫn từ các Bộ, ngành Trung ương.
https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-hoc-sinh-mot-xa-mien-nui-gap-kho-vi-chong-cheo-van-ban-chuan-nong-thon-moi-1511582.ldo
THANH TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)