Hà Nội thúc tiến độ Vành đai 4, sắp xây 2 tuyến metro và 6 cầu qua sông Hồng
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
Cầu vượt sông Cà Lồ trên đường song hành Vành đai 4 Hà Nội. Ảnh: Hữu Chánh
Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Đảng ủy UBND Hà Nội được gửi tới Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ cho thấy, sáu tháng đầu năm năm 2025, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng GRDP đạt 7,63%, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.
Đó là, tăng trưởng chung 6 tháng đạt cao, tuy nhiên, quý II đạt thấp hơn so với kịch bản (7,56% so với 7,93%), tăng trưởng ngành xây dựng thấp hơn khá nhiều so với kịch bản (6,81% so với 8,05%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% - còn chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao.
Các dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải còn chưa đạt tiến độ đề ra. Việc xử lý ô nhiễm nước các sông nội đô như Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét, sông Nhuệ - Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn…
Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 15.7. Ảnh: Viết Thành
6 tháng cuối năm 2025, thành phố Hà Nội nhận định, khó khăn, thách thức gia tăng cũng là cơ hội, động lực đối với cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để quyết tâm thực hiện hiệu quả những cải cách và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Trọng tâm của thành phố là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thành phố yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các sở, ban, ngành và xã, phường sau sắp xếp tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14.2.2025, các Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14.3.2025 và số 04/CT-UBND ngày 28.3.2025, với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, thành phố tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ để duy trì tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành; kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp; cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật và triển khai thực hiện “bộ tứ trụ cột” về: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng, thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân...
Thành phố cũng sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư công 2025; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tập trung vào các dự án trọng điểm như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.
Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án xử lý rác thải, nước thải; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, thành phố sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo ngành, lĩnh vực quản lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo đồng bộ dữ liệu với Hệ thống thông tin và cơ sở quốc gia về quy hoạch và tránh dàn trải, lãng phí...
https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-thuc-tien-do-vanh-dai-4-sap-xay-2-tuyen-metro-va-6-cau-qua-song-hong-1540588.ldo
HỮU CHÁNH (báo lao động)