Thời sự
Cập nhật lúc 04:29 30/01/2023 (GMT+7)
Hiểu đúng về ngày vía Thần Tài - mùng 10 tháng Giêng năm 2023

Ngày vía Thần Tài - Mùng 10 tháng Giêng hàng năm được xem là ngày vía Thần Tài đã đi vào đời sống người dân nhiều năm nay.

Ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng thường được xem là một ngày lễ trọng đại của nhiều gia đình, đặc biệt với những người làm kinh doanh buôn bán. 

Trong ngày vía Thần Tài, người ta thường đổ xô đi mua vàng để cầu may. Nhiều người tin rằng việc này giúp đem lại may mắn, tài lộc trong năm, làm ăn buôn bán thuận lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về ý nghĩa của ngày này.

Theo dân gian, ngày vía Thần Tài là ngày cúng tạ ơn ông Thần Tài đã mang nhiều may mắn, tài lộc trong một năm vừa qua và cầu mong tài lộc cho năm mới.

Thông thường, ngày vía Thần Tài được chọn vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chọn ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng để cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc trong tháng đó.

 
Nhiều người chọn đi mua vàng ngày vía Thần Tài. Ảnh: Phan Anh

Trao đổi với Lao Động, PGS. TS. Đinh Hồng Hải (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, như chúng ta biết, trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì ngày mùng 1 tết là ngày vía của Đức Phật Di Lặc.

Còn tín ngưỡng thờ Thần Tài – ông Địa của người Hoa ở miền Nam thì sau giai đoạn Đổi mới – 1986 mới phổ biến ở miền Bắc.

"Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hình thức biểu đạt của pho tượng ông Địa khá giống với tượng Phật Di Lặc (thân hình béo mập, mặt cười, mặc áo phanh ngực, hở bụng)" - PGS. TS. Đinh Hồng Hải nói.

PGS. TS. Đinh Hồng Hải cũng cho biết thêm, tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Di Lặc và tín ngưỡng thờ Thần Tài – ông Địa hoàn toàn khác nhau.

"Hiện tượng ngày vía Thần Tài ở miền Bắc như chúng ta thấy hiện nay có thể xuất hiện sau giai đoạn Đổi mới – 1986 trong quá trình phát triển bùng nổ của nền kinh tế thị trường với các hoạt động “kinh doanh tâm linh” trong một “thị trường tôn giáo” sôi động" - PGS. TS. Đinh Hồng Hải cho biết.

Thông thường, trong ngày vía Thần Tài, nhiều người thường tránh việc sinh sự, gây gổ. Lúc làm lễ, không nói lời thô tục, mắng chửi người khác, khiến Thần Tài mất lòng mà trách phạt.

Việc bày biện quá nhiều thứ gây rối mắt ở bàn thờ Thần Tài cũng được coi là sai lầm và không thể hiện sự thành tâm. Bàn thờ Thần Tài tránh để nơi gần phòng vệ sinh, phòng tắm, phòng bếp bởi theo phong thuỷ, những nơi có nước thể hiện tài lộc chảy ra ngoài.

Nhiều gia đình cũng kiêng việc cắm hương chồng chéo nhau. Nếu gia chủ cắm hương chồng chéo nhau sẽ khiến Thần tài, Ông Địa không có linh khí. Không chỉ không hút tài lộc, sai lầm này còn khiến gia chủ làm ăn thất bát.

Để giữ cho các đồ vật trên bàn thờ có được năng lượng thuần khiết và thanh tịnh nhất, nhiều gia đình thực hiện công việc bao sái bằng nước ấm pha gừng, quế.

Bởi họ cho rằng, các đồ vật trên bàn thờ như tôn tượng, bát hương khi mua về đã trải qua nhiều công đoạn sản xuất và qua tay rất nhiều người, do đó, không tránh khỏi việc bị nhiễm tạp khí, uế khí và nhân khí của người khác.

Hoa cúng Thần Tài không nên dùng hoa giả, gia chủ cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.

Người dân nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.

https://laodong.vn/van-hoa/hieu-dung-ve-ngay-via-than-tai-mung-10-thang-gieng-nam-2023-1142143.ldo

HƯƠNG MAI (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: