Học tập là không ngừng nghỉ
Trên con đường chinh phục tri thức, nhiều tấm gương đã không ngừng nghỉ dù đường đi có nhiều thử thách. Họ mang trong mình ngọn lửa đam mê học hỏi, vượt qua gian khó, vững vàng trước mọi chông gai, khát khao làm mới mình và làm đẹp cho đời.
Cụ ông Nguyễn Tấn Thành (Cần Thơ) dù đã bước qua tuổi 88 nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường học tập. ẢNH: TẤN THÀNH
Bông hồng thủy tinh quật cường
Đối với nhiều người, việc đi học là một điều rất đơn giản, nhưng với Nguyễn Thị Ngọc Tâm (Nam Định) đó là một hành trình đầy nỗ lực của bản thân, gia đình, thầy cô và bạn bè. Cô gái ấy đã đi học bằng tất cả sự quyết tâm, trên con đường không bằng phẳng.
Mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên từ khi chào đời đến nay, cô phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này gây ra. Không những vậy, càng lớn Tâm lại bị thêm nhiều bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày, khiến sức khỏe cô mỗi ngày một yếu.
Thế nhưng, mọi trở ngại đó không thể ngăn cản Ngọc Tâm đến với ánh sáng của tri thức. Không những nỗ lực chinh phục con đường học vấn, cô còn gieo trồng hạt giống đẹp cho đời. Chấp nhận và đối diện với tình hình sức khỏe không mong muốn, vượt mọi khó khăn về tài chính, Ngọc Tâm đã thành công sáng lập lớp học miễn phí cho các em học sinh mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh”. Ban ngày dạy học, ban đêm ngủ trong tư thế ngồi, nhưng chiến binh Tâm với tinh thần thép luôn giữ cho mình đam mê được học, dạy học và cống hiến.
“Lớp học này không chỉ là nơi tôi truyền đạt tri thức mà còn là cách tôi thực hiện ước mơ trở thành giáo viên từ thuở bé của mình" - cô xúc động.
Lớp học Tâm mở hoàn toàn tự chủ, từ cơ sở vật chất đến nguồn tài chính do cô và gia đình đảm nhận. Thêm vào đó, lớp học đa dạng về độ tuổi, từ lớp 1 đến lớp 8 nên việc giảng dạy cũng cần chủ động, linh hoạt hơn.
“Chẳng hạn, đang dạy Toán lớp 5, tôi lại chuyển sang hướng dẫn Văn cho lớp 6, rồi lại tập đọc cho các em lớp 1, lớp 2. Điều đó yêu cầu tôi phải sắp xếp thời gian hiệu quả, đảm bảo mỗi học sinh đều được học tốt nhất" - Ngọc Tâm cười.
Dù khó khăn trăm điều là thế nhưng cô vẫn luôn tâm niệm phải “học, học nữa, học mãi”. Học để trau dồi kiến thức cho bản thân và đưa tri thức tới học sinh của mình.
"Không quan trọng chúng ta sống bao lâu, quan trọng là ta sống sâu đến mức nào. Mỗi người sinh ra đã là một điều diệu kỳ, hãy cùng nhau tạo nên những điều kỳ diệu mới để cống hiến cho xã hội và đất nước" - Ngọc Tâm cười hiền.
Tự học là con đường duy nhất để lập thân
Cụ ông Nguyễn Tấn Thành (Cần Thơ) dù đã bước qua tuổi 88 nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình. Với mong muốn hoàn thành ước mơ còn đang dang dở, ông đã lựa chọn theo học Thạc sĩ chuyên ngành Văn học tại Trường Đại học Cần Thơ.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Thành đã được truyền cảm hứng từ bố. Ông sớm hình thành tình yêu với con chữ và khát khao tri thức. Những năm tháng tuổi thơ ấy đã đặt nền móng vững chắc cho cả cuộc đời ông - một cuộc đời dành để "chơi" với tri thức, "chơi" với con chữ.
Đứng trên bục giảng với tư cách là một người thầy từ hơn 50 năm trước, ông Thành mong muốn truyền tải tri thức và khơi dậy ngọn lửa đam mê học tập cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Sở hữu vốn ngoại ngữ phong phú như Anh, Pháp, Đức, Ý, Hàn, Nhật, Tây Ban Nha, Malaysia…, ông Thành luôn hỗ trợ sinh viên tìm kiếm cơ hội học hỏi và thực tập ngành phiên dịch. Và rồi khát khao tri thức trong ông vẫn luôn cháy bỏng, thôi thúc ông hoàn thành chương trình cao học còn dang dở.
“Vào năm 1972, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân văn học đầu tiên của Trường Đại học Cần Thơ, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng học lên cao học.
Thế nhưng khi bài luận sắp hoàn thành thì giáo sư hướng dẫn của tôi qua đời, cùng với đó là sự kiện nước ta giải phóng. Sau đó, tôi quyết định tạm dừng việc học cao lên để chuyển qua công tác ở ban thông tin tuyên truyền, cùng phát triển đất nước sau chiến tranh. Đến bây giờ, sau khi mọi thứ đã ổn định, tôi quyết định tiếp tục con đường học tập của mình” – ông Thành nghẹn ngào.
Đây là năm thứ 2 ông theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Văn học. Dù tuổi cao, ông Thành vẫn luôn cố gắng, nỗ lực học tập hết mình. Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình học tập, ông vẫn luôn vui vẻ, hồ hởi chia sẻ:
“Tôi là người lớn tuổi, nhưng đây không phải là trở ngại. Việc được tiếp xúc gần gũi với các bạn trẻ là niềm vui. Ở đó tôi học được sự năng nổ, xông xáo, sáng tạo của các em. Mọi người cũng không ngại tôi lớn tuổi mà xa cách. Thầy cô, các bạn nhiệt tình giúp đỡ tôi, đưa đón tôi về nhà, cùng thảo luận, làm bài tập nhóm…”.
Bật mí bí quyết học tập của mình, ông Thành cho biết - chỉ cần có đam mê, mong muốn được học, được trau dồi thì không gì là không thể.
Ông thường nhắc nhở bản thân và mọi người lời dạy sâu sắc của Bác Hồ: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu". Ông đặc biệt nhấn mạnh việc phải tránh xa tệ nạn xã hội, tránh để điều xấu ảnh hưởng, phân tán đến việc học trọn đời.
Và rồi học tập suốt đời không chỉ là một hành trình trau dồi tri thức, mà còn là cách chúng ta làm giàu cho tâm hồn, mở rộng giới hạn bản thân và sống một cuộc đời ý nghĩa.
https://laodong.vn/giao-duc/hoc-tap-la-khong-ngung-nghi-1500188.ldo
TRANG HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)