Lý do Việt Nam không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến nơi có tham chiến
Chiều 15.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", do đó không cử lực lượng gìn giữ hoà bình tham gia tại các khu vực có xung đột vũ trang.
Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử tổng cộng 1.083 cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã cử 1.067 chiến sĩ.
Tỉ lệ nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng này đạt trên 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6-7% của các nước khác. Mặc dù Liên Hợp Quốc không đặt ra yêu cầu bắt buộc nhưng luôn khuyến khích các quốc gia gia tăng sự tham gia của nữ giới.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Quochoi.vn
“Nhân dân nước sở tại khi thấy đội gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở đấy thì rất phấn khởi, đã hát những bài về Việt Nam, Bác Hồ... rất xúc động” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói và đánh giá, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá và con người Việt Nam.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương thông tin, mặc dù ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng từ năm 2018 đến nay, lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao. Phó Tổng Thư ký và Cố vấn quân sự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã có thư cảm ơn gửi Chính phủ Việt Nam đối với bệnh viện dã chiến cấp 2. Đội Công binh cũng được lãnh đạo phái bộ đánh giá cao khi làm thay đổi diện mạo của phái bộ.
Hiện có 4 sĩ quan quân đội và 2 sĩ quan công an Việt Nam trúng tuyển vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc và được đề nghị tiếp tục công tác sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, các vị trí này đều phải thi tuyển theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá, dù số lượng tham gia không nhiều nhưng lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam hiện đã làm chủ công tác huấn luyện sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình. Trong quá trình này, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước như Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Australia…
Về chế độ chính sách, Đại tướng cho biết, tiền lương của cán bộ, chiến sĩ do Liên Hợp Quốc chi trả trực tiếp vào tài khoản cá nhân. Liên Hợp Quốc cũng cử lực lượng đến kiểm tra định kỳ, xác nhận phương tiện, nhân công tham gia để tính toán khấu hao và thanh toán cho Việt Nam.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc thực hiện nhiệm vụ cũng đối mặt với nhiều thách thức như tình hình an ninh phức tạp với xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; điều kiện thời tiết khắc nghiệt; dịch bệnh phức tạp; đời sống người dân sở tại khó khăn, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội...
Môi trường làm việc đa văn hóa và đa sắc tộc cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, khả năng làm việc độc lập và trình độ ngoại ngữ tốt. Người chỉ huy phải có sự quyết đoán.
Vì vậy, Đại tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung lực lượng dân sự để đa dạng hóa thành phần tham gia.
"Dự thảo luật quy định rất rõ chúng ta tham gia những lĩnh vực gì, nguyên tắc tham gia... Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", vì vậy không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia ở các khu vực tham chiến..." - Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.
Đại tướng cũng lưu ý, những nội dung không thuộc phạm vi bí mật quốc gia hay bí mật quân sự thì có thể công khai, truyền thông rộng rãi.
https://laodong.vn/thoi-su/ly-do-viet-nam-khong-dua-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-den-noi-co-tham-chien-1507478.ldo
VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)