Thời sự
Cập nhật lúc 05:27 05/05/2025 (GMT+7)
Người cao tuổi không ngại học AI

Trong căn phòng nhỏ của cụ Nguyễn Phong Niên - nguyên là cán bộ Vụ Bổ túc văn hóa tại phố Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) có 2 tủ sách được giữ gìn như báu vật từ những năm 1950 đến nay.

Người cao tuổi không ngại học AI
Cụ Nguyễn Phong Niên - nguyên cán bộ Vụ Bổ túc văn hóa. ẢNH: TÙNG GIANG

Khi người già học công nghệ, AI và Chat GPT

Gần bước sang tuổi 90 nhưng hằng ngày thói quen đọc sách, cập nhật các kiến thức văn hóa vẫn được ông giáo già duy trì.

Trên tay cầm cuốn sách viết về nội dung Chat GPT, cụ Niên chia sẻ, sau khi nghỉ hưu, thay vì nghỉ ngơi, cụ tham gia các nhóm học kỹ năng số, học sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội và gần đây là nghiên cứu các kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI), học cách sử dụng Chat GPT để viết văn, thơ hay tra cứu thông tin, lên kế hoạch cho bản thân.

Cũng theo cụ Niên, sự xuất hiện của các công cụ như ChatGPT đang mang đến một cánh cửa mới, giúp việc học tập không giới hạn, có thể học mọi lúc, mọi nơi. Không cần đến lớp học truyền thống, người cao tuổi có thể hỏi mọi thứ họ muốn, từ cách chăm cây cảnh, giải thích hiện tượng tự nhiên, đến viết một bài thơ tặng bạn đời.

Đây không chỉ là cách học mà còn là một hình thức tương tác giúp những người già duy trì trí nhớ, tư duy phản biện và cảm thấy bản thân vẫn hữu ích, vẫn đang phát triển từng ngày.

Từ sự nghiệp dạy học và truyền thụ kiến thức trong vai trò cán bộ bổ túc văn hóa, cụ Niên đã gặp gỡ và nên duyên với cụ Phạm Thị Bích Đợi. Chính nhờ sự định hướng và đồng hành của cụ Niên, con đường học tập của hai cụ trở thành một hành trình bền bỉ kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Cụ Đợi hồi tưởng về những ngày đầu mới quen biết chồng. Khi ấy, cụ là một trong những học viên được chính cụ Niên trực tiếp hướng dẫn, theo sát trong suốt quá trình học tập và rèn luyện.

“Hằng ngày, ông ấy dạy tôi học, xem lại bài vở và sửa những chỗ chưa đúng. Đến tận bây giờ, thói quen đó vẫn còn nguyên vẹn. Ông học thêm những kiến thức mới, rồi lại giảng giải lại cho tôi. Cả hai vợ chồng chúng tôi cùng học với nhau, chưa bao giờ thấy là đã đủ, đã biết hết” - cụ Đợi chia sẻ.

Học tập suốt đời để sống trọn từng ngày

Nhà văn, nhà báo Đặng Huỳnh Thái. Ảnh: Tùng Giang
Nhà văn, nhà báo Đặng Huỳnh Thái. Ảnh: Tùng Giang

Dù đã bước sang tuổi 86, nhà văn, nhà báo Đặng Huỳnh Thái vẫn miệt mài sáng tác, làm việc và cống hiến không ngừng. Với ông, tuổi tác không phải là giới hạn, mà là động lực để tiếp tục viết, kể lại những câu chuyện lịch sử và truyền lại trải nghiệm cho thế hệ sau.

Tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” – được giới chuyên môn đánh giá là “cuốn biên niên sử của công nhân ngành than tại khu vực Đông Bắc”, là kết quả từ niềm đam mê và lao động nghiêm túc của một nhà văn lão thành. Tác phẩm không chỉ là kết tinh của trí tuệ và cảm xúc, mà còn là lời tri ân sâu sắc mà ông dành cho quê hương và dân tộc.

Chia sẻ về hành trình sáng tác, ông Thái nói: “Từ những trải nghiệm sống qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi muốn viết lại để con cháu hiểu được một thời oanh liệt của dân tộc”.

Không dừng lại ở văn chương, ông còn viết kịch bản phim, vẽ tranh, sản xuất nội dung trên nền tảng YouTube – điều không phải người cao tuổi nào cũng đủ khả năng tiếp cận và làm chủ.

Đặc biệt, ông đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sáng tác, sản xuất nội dung. Tại căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội), ông cùng người bạn đời là bà Cao Thị Hỷ đã tạo nên một "xưởng phim gia đình".

Ở đó, ông viết kịch bản, quay phim, dựng cảnh, lo phần âm nhạc và kỹ thuật, còn vợ ông sẽ đọc lời bình cho các tác phẩm. “Mọi người vẫn đùa rằng tôi có một xưởng phim, mà ở đó chỉ có hai người”, ông Thái cười nói.

Tinh thần học tập suốt đời của ông Thái không chỉ là lời nói mà là hành động cụ thể. Bởi trước đó, ở tuổi 75, ông vẫn tự “cắp sách đi học” mỹ thuật suốt 2 năm để hoàn thiện kỹ năng hội họa.

Bà Cao Thị Hỷ, vợ nhà văn, nhà báo Đặng Huỳnh Thái chia sẻ: “Ông Thái là người có đam mê học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Ông chính là động lực cho các thành viên trong gia đình noi theo”.

Tinh thần ấy đã giúp ông liên tục tạo ra các sản phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Tiểu thuyết “Đất và Máu” đã được Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) xuất bản bằng tiếng Anh và phát hành toàn cầu, một sự kiện hiếm có trong nền văn học Việt Nam.

https://laodong.vn/giao-duc/nguoi-cao-tuoi-khong-ngai-hoc-ai-1500180.ldo

Tùng Giang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: