Thời sự
Cập nhật lúc 01:05 30/04/2025 (GMT+7)
Người lính đặc công phất cờ chiến thắng tại Dinh Độc Lập

Trong buổi trưa ngày 30.4.1975, ông Phạm Duy Đô, đại đội trưởng đơn vị đặc công đã lên tầng hai Dinh Độc Lập, rồi ra ban công phất cờ chiến thắng, làm tín hiệu cho bộ đội ta tiếp tục tiến vào…

Người lính đặc công phất cờ chiến thắng tại Dinh Độc Lập
Cựu chiến binh Phạm Duy Đô xúc động, không kìm được nước mắt khi kể lại cuộc đời chiến đấu, công tác với vô vàn chông gai, gian khó mà cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt. ẢNH: NGUYỄN CÔNG LIÊM

Người lính đặc công nước xuất sắc và 3 nhiệm vụ đặc biệt

Những ngày đầu tháng 4/2025, chúng tôi tìm đến nhà và được gặp cựu chiến binh Phạm Duy Đô (sinh năm 1950) - người lính đặc công từng giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Đặc công miền Đông Nam Bộ - một đơn vị tinh nhuệ, lập nhiều chiến tích hiển hách trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Dù năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng trông ông Đô vẫn còn khá khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bên ngôi nhà nhỏ ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình, chúng tôi được nghe ông tâm sự và kể về cuộc đời quân ngũ vô cùng vất vả nhưng cũng đầy anh dũng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình nghèo khó, giàu truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn rất trẻ, ông Đô đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và gia nhập lực lượng đặc công. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công hiển hách.

Ông Đô hồi tưởng lại, trong suốt cuộc đời quân ngũ, bản thân ông đã 3 lần được giao phó những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, khó khăn nhưng cũng rất đỗi vinh dự và tự hào.

Lần thứ nhất, vào năm 1971, ông Đô được tham gia diễn tập phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón lãnh tụ Cuba Fidel Castro và Tổng Bí thư Ba Lan.

Tại cuộc diễn tập này, ông Phạm Duy Đô đã cùng đồng đội trình diễn kỹ thuật chiến đấu đặc công nước thượng thừa như bơi qua sông Hồng, tiếp cận sân bay Gia Lâm và thực hiện các tình huống chiến đấu đặc biệt.

Màn trình diễn ấn tượng đến nỗi chính lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến tận nơi bắt tay, khen ngợi tinh thần và tài năng của người lính đặc công Việt Nam.

Chưa đầy một tuần sau, ông Đô lại được giao nhiệm vụ đặc biệt lần thứ hai là bảo vệ, dẫn đường cho 24 sinh viên Lào và Campuchia vừa tốt nghiệp từ các trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam vượt Trường Sơn trở về nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao cả, ông cùng 9 đồng đội đặc công nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ suốt gần 5 tháng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn sinh viên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt thứ hai, cựu chiến binh Phạm Duy Đô không trở về miền Bắc mà tiếp tục chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông cùng đồng đội trực tiếp trinh sát, điều nghiên các mục tiêu quan trọng của địch như kho bom Long Bình, Chiến đoàn 43, Liên trường Thiết giáp, cầu Đồng Nai, sân bay dã chiến Nước Trong...

Khoảng cuối năm 1973, ông Đô được giao nhiệm vụ đặc biệt thứ ba. Thượng tướng Trần Văn Trà trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông và 2 chiến đấu viên xuất sắc là Đỗ Đức Tốc và Lê Huy Hoạt cùng nhau thâm nhập Sài Gòn, điều nghiên và vẽ sơ đồ tác chiến Dinh Độc Lập cũng như các mục tiêu phụ cận.

“Đây là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm và phức tạp, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí và tinh thần trách nhiệm cao độ. Với sự giúp đỡ của cơ sở cách mạng nội thành, chúng tôi đã cải trang thành lính ngụy, tiếp cận Dinh Độc Lập để thu thập thông tin và vẽ sơ đồ chi tiết. Anh em đã sử dụng hệ thống cống ngầm để bí mật điều nghiên các mục tiêu quan trọng. Sau gần nửa tháng trời, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, cung cấp những thông tin tình báo quan trọng, quý giá cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, ông Đô nhớ lại.

Cựu chiến binh giản dị, khiêm tốn giữa đời thường

Sau những năm tháng chiến đấu và công tác gian khổ, hào hùng, đến năm 1983 ông Phạm Duy Đô trở về quê nghỉ mất sức và hưởng chế độ thương binh bậc 2/4. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Đô vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người lính đặc công, sống giản dị, chân thành, đầy lòng nhân ái và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Ông Trần Xuân Triều - Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Tổ 4, phường Trần Lãm, TP Thái Bình - cho biết: “Dù lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng ông Phạm Duy Đô luôn sống khiêm tốn và giản dị. Ông từng từ chối đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhường vinh dự cao quý ấy cho những đồng đội đã hy sinh hoặc bị thương nặng. Ông Đô còn là một hội viên gương mẫu, luôn tích cực tham gia các hoạt động của hội và địa phương. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, sống nghĩa tình với đồng đội và bà con lối xóm”.

Ông Phạm Ngọc Hồng, người hàng xóm cùng sinh hoạt Hội Cựu chiến binh với ông Phạm Duy Đô nhận xét: "Những câu chuyện về chiến công của đồng chí Đô luôn là nguồn động viên lớn cho thế hệ trẻ noi theo học tập".

https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-linh-dac-cong-phat-co-chien-thang-tai-dinh-doc-lap-1499065.ldo

TRUNG DU - VŨ AN  (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: