Người lưu giữ ký ức thiêng liêng về Bác Hồ bên dòng sông Gianh
Quảng Bình - Hơn nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, ông Nguyễn Đình Phong trở thành người gìn giữ ký ức thiêng liêng nơi đất Quảng.
Ông Phong với những ký ức về Bác Hồ bên dòng sông Gianh. Ảnh: Công Sáng
Nửa thế kỷ một đam mê
Bên dòng sông Gianh thơ mộng, ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Đình Phong (thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là nơi lưu giữ hơn 3.000 tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là ký ức, mà còn là tâm huyết cả đời ông Phong dành trọn để tưởng nhớ và lan toả giá trị tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ đến cộng đồng.
Tầng một của ngôi nhà là không gian sinh hoạt chung, còn tầng hai đã trở thành một “bảo tàng” độc đáo. Ông Phong sưu tập những bức ảnh, bài báo, tư liệu về Bác Hồ theo dòng thời gian: từ thời thơ ấu, hành trình tìm đường cứu nước, cho đến những năm tháng lãnh đạo dân tộc. Xen kẽ là các tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu.
Các tư liệu được ông Phong sưu tập trong nhiều năm. Ảnh: Công Sáng
Ông Phong vốn là một công nhân nông nghiệp, từng vinh dự được lái chiếc máy cày đầu tiên Bác Hồ tặng Hợp tác xã Đại Phong. Năm 1969, một vụ nổ bom khiến ông bị giảm thính lực. Cũng trong năm ấy, khi nghe tin Bác qua đời, ông lặng người trong nỗi xót xa, và bắt đầu ý tưởng sưu tầm tư liệu để tưởng nhớ Người.
Việc sưu tầm không hề dễ dàng. “Có khi tôi phải mua cả quyển sách dày chỉ vì một bức ảnh quý về Bác Hồ”, ông Phong kể.
Hành trình sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của ông Phong cũng gặp nhiều gian nan. Ông nghỉ mất sức lao động, khi về già cũng không có lương hưu, kinh tế eo hẹp đôi lúc làm ông gặp khó khăn trong việc mua sách, ảnh, ép plastic để lưu giữ.
Năm nào có lũ, ông cũng ưu tiên đưa bộ sưu tập lên nơi cao ráo trước khi lo cho đồ đạc khác.
Sự bền bỉ của ông Phong đã truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Hồng Sâm – hàng xóm, bạn tâm giao lâu năm. Ông Sâm thường giúp ông Phong tìm tư liệu, góp tiền khi ông thiếu, và giới thiệu nơi trưng bày ảnh cho học sinh đến tham quan.
“Tôi quý ông Phong ở chỗ làm việc vì đam mê chứ không vụ lợi. Mỗi bức ảnh đều là một câu chuyện, một kỷ niệm quý giá về lịch sử dân tộc”, ông Sâm chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu lịch sử
Những ngày tháng 5 – dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ – ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh lại rộn ràng người ra vào. Ông Phong cẩn thận dán ảnh, chỉnh lại từng dòng chú thích, xếp tư liệu vào từng khung lịch sử rõ ràng, dễ hiểu.
Đoàn viên thanh niên, học sinh và khách tham quan đến đây không chỉ để xem ảnh mà còn để lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện người đầy xúc cảm từ một nhân chứng sống.
Các tư liệu được ông Phong chú thích cụ thể. Ảnh: Công Sáng
Chị Trần Thị Vân – đoàn viên xã Quảng Thanh cho biết, đây là một kho tư liệu vô giá cho thế hệ trẻ: “Không cần đi đâu xa, chỉ cần đến nhà ông Phong là chúng tôi đã có thể tìm hiểu lịch sử, tư tưởng của Bác Hồ một cách chân thực và sinh động”.
Bộ sưu tập quý giá này từng được trưng bày lưu động tại nhiều sự kiện lớn của xã, trường học, nhà văn hóa. Với ông Phong, điều quan trọng nhất là lan tỏa tình yêu Bác Hồ đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ. "Bác đã sống vì dân, vì nước. Tôi giữ lại những hình ảnh này để ai cũng hiểu, cũng yêu và học theo tấm gương của Người", ông Phong xúc động nói.
Hơn 55 năm sưu tầm, bảo vệ, chia sẻ và truyền cảm hứng, ông Nguyễn Đình Phong không chỉ làm nên một bộ sưu tập đồ sộ về Bác Hồ, mà còn viết nên một hành trình tri ân giản dị, chân thành - của một người dân Quảng Bình dành trọn đời mình cho ký ức thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-luu-giu-ky-uc-thieng-lieng-ve-bac-ho-ben-dong-song-gianh-1508100.ldo
CÔNG SÁNG (báo lao động)