Nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp sau điện đàm Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ
Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thể hiện vai trò và uy tín đối ngoại ngày càng cao của Việt Nam.
Theo TS. Mạc Quốc Anh - cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một tín hiệu hết sức tích cực, mở ra triển vọng mới cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Ảnh: Tuyết Lan
Đây là đánh giá của TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tối ngày 2.7.2025.
- Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra đêm qua có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thuế quan hiện nay?
Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một tín hiệu hết sức tích cực, mở ra triển vọng mới cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Đồng thời củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách đối ngoại chủ động, bản lĩnh và sáng suốt của Việt Nam.
Thứ nhất, cuộc điện đàm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. Thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Thứ hai, nội dung trao đổi cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các kênh đối thoại cởi mở, thẳng thắn, thực chất. Đây cũng là cơ sở để giảm thiểu các hiểu lầm, hạn chế các rủi ro xung đột thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Thứ ba, tôi đặc biệt đánh giá cao việc cuộc điện đàm đã đề cập những vấn đề hết sức cụ thể, không chỉ là ngoại giao xã giao. Những kiến nghị của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao cho thấy Việt Nam đang theo đuổi chính sách hội nhập chủ động, sâu rộng và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
- Nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam, thưa ông?
Việc Hoa Kỳ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều cơ hội quan trọng, cả trước mắt lẫn lâu dài.
Trước hết, điều đó giúp Việt Nam tránh khỏi các biện pháp phòng vệ thương mại mang tính phân biệt bất lợi, nhất là các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Thứ hai, về dài hạn, việc được công nhận kinh tế thị trường là một bước khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, dịch vụ tài chính và các ngành kinh tế xanh.
Thứ ba, khi Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường, cùng với việc Hoa Kỳ bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ mở rộng. Đây cũng là tiền đề giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào tri thức và đổi mới sáng tạo, giảm dần phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động chi phí thấp.
- Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cộng đồng doanh nghiệp có những kỳ vọng gì, thưa ông?
Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ sớm có những bước đi cụ thể, ví dụ ban hành văn bản chính thức công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam, hoặc ít nhất là điều chỉnh các quy định hiện hành để giảm bớt các rào cản, tạo môi trường thương mại công bằng.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Hoa Kỳ sẽ sớm được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, linh kiện, phần mềm tiên tiến để nâng cấp năng lực sản xuất, nhưng vẫn bị giới hạn bởi các quy định kiểm soát xuất khẩu. Khi những rào cản này được gỡ bỏ, sẽ tạo ra một dòng chảy công nghệ mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thứ ba, doanh nghiệp cũng kỳ vọng rằng qua cuộc điện đàm này, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng ổn định, bền chặt. Điều đó mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro chính sách, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động như hiện nay.
Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng Chính phủ sẽ có thêm các kênh thông tin chính thức, đầy đủ, nhanh chóng, để cập nhật diễn biến quan hệ song phương để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-sau-dien-dam-tong-bi-thu-to-lam-va-tong-thong-hoa-ky-1534212.ldo
Tuyết Lan (BÁO LAO ĐỘNG)