Nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng, thương mại hóa gây lãng phí
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường vì nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng, thương mại hóa dẫn đến lãng phí.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu phải có tăng cường liên kết giữa nghiên cứu khoa học và thị trường. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 6.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật, gồm: dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết về xây dựng và thực thi pháp luật.
Tới đây, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành một Nghị quyết nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tư nhân, tiến tới một bước xa hơn nữa là xây dựng một đạo luật về phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc cần tăng cường hơn nữa các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 6.5. Ảnh: Phạm Đông
Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP - rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất ưu đãi cho đầu tư vào nghiên cứu phát triển.
"Chúng ta cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học.
Thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ...", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Đề cập vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao hơn, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh, sinh viên; có các chương trình đào tạo liên ngành...
"Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học, công nghệ, dựa vào giáo dục đào tạo.
Một nền giáo dục tốt sẽ có những nhà khoa học tài năng. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường. Thực tế cho thấy, vừa qua, nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tiễn hoặc thương mại hóa dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Do vậy, tới đây cần khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công với các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia.
"Những vấn đề này đã có trong dự thảo Luật nhưng cần mạnh mẽ hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.
https://laodong.vn/thoi-su/nhieu-nghien-cuu-khoa-hoc-chua-duoc-ung-dung-thuong-mai-hoa-gay-lang-phi-1502556.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)