Phân định thẩm quyền phòng, chống ma túy khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Khi bỏ cấp huyện, nhiều thẩm quyền tại Luật Phòng, chống ma túy được chuyển cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Công an tỉnh Thanh Hóa triệt xóa đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh, thu gần 5,6 kg ma túy, 1 khẩu súng quân dụng. Ảnh: Bộ Công an
Chính phủ ban hành Nghị định số 184/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Về phân định thẩm quyền tại Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 184/2025/NĐ-CP quy định: Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện quy định tại điểm a và d khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy chuyển cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Như vậy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Ngoài ra, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện quy định tại các điểm b, c và đ khoản 6, khoản 8 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy chuyển cho Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Như vậy, Giám đốc Công an cấp tỉnh sẽ thực hiện: Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; thông báo cho UBND cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Về bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh tại cơ sở cai nghiện, Nghị định số 184/2025/NĐ-CP chuyển thẩm quyền của các cơ quan cấp huyện cho các cơ quan cấp xã.
Khi phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh tại cơ sở cai nghiện, cơ sở cai nghiện đề nghị cơ quan y tế cấp xã, cơ quan công an cấp xã nơi đặt trụ sở của cơ sở cai nghiện phối hợp giải quyết.
Trường hợp cần thiết hoặc ngoài khả năng xử lý của các cơ quan cấp xã thì cơ sở cai nghiện báo cáo Công an cấp tỉnh; Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đề nghị Sở Y tế cử người để phối hợp giải quyết. Trường hợp cơ quan được đề nghị không cử người hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trong địa bàn quản lý.
Nghị định số 184/2025/NĐ-CP chuyển thẩm quyền trên cho Giám đốc Công an cấp tỉnh thực hiện.
Theo đó, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc phương thức điện tử 1 bộ hồ sơ theo quy định đến Công an cấp tỉnh.
Trường hợp gửi hồ sơ theo phương thức điện tử, cơ sở cai nghiện có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ bản gốc của hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi cơ sở cai nghiện đặt trụ sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, các điều kiện hoạt động và quyết định cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
https://laodong.vn/thoi-su/phan-dinh-tham-quyen-phong-chong-ma-tuy-khi-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-1536435.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)