Tận dụng nhà thi đấu đa năng làm nơi làm việc của công chức xã
Điện Biên - Trong số 45 xã, phường mới đi vào hoạt động chỉ có 10 đơn vị được thừa hưởng nơi làm việc của cấp huyện.
Xã biên giới Sam Mứn, tỉnh Điện Biên tận dụng nhà thi đấu đa năng làm nơi làm việc tạm thời của hàng chục cán bộ công chức. Ảnh: Văn Thành Chương
Thời tiết tại Điện Biên trong ngày 1.7 liên tục có mưa, song ngay từ sáng sớm, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại một số xã biên giới đã chứng kiến không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương, chuyên nghiệp, tận tình.
Là một trong những người dân đầu tiên đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã biên giới Sam Mứn để giải quyết thủ tục về đất đai, anh Phạm Quang Hải được cán bộ đón tiếp, hướng dẫn tận tình.
Tuy nhiên do hồ sơ một số vướng mắc liên quan đến chủ sở hữu nên anh Hải đã được cán bộ chuyên môn tận tình giải thích và hướng dẫn những việc cần bổ sung để được giải quyết.
Dù phải làm việc tạm tại nhà thi đấu đa năng nhưng những cán bộ, công chức xã Sam Mứn luôn lạc quan, vui vẻ vượt qua mọi khó khăn để khởi đầu một hành trình mới. Ảnh: Văn Thành Chương
“Mặc dù yêu cầu của tôi chưa được giải quyết ngay nhưng tôi rất hài lòng với thái độ và sự đón tiếp và phục vụ của các cán bộ ở đây” - anh Hải nói.
Tranh thủ trao đổi với phóng viên lúc giải lao giữa 2 cuộc họp, ông Phạm Thiết Chùy - Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết, hiện xã có gần 80 cán bộ, công chức, trong khi trụ sở cũ chỉ đáp ứng cho hơn 20 cán bộ, do vậy nơi làm việc đang rất khó khăn.
Dãy nhà khang trang nhất được xã Sam Mứn ưu tiên chọn làm Trung tâm phục vụ hành chính công. Ảnh: Văn Thành Chương
"Hiện chúng tôi đang ưu tiên số 1 về nơi làm việc cho Trung tâm phục vụ hành chính công. Còn lại phần lớn cán bộ, công chức của xã đang phải làm việc tạm trong nhà thi đấu đa năng của xã.
Việc quan trọng nhất hiện nay phải đảm bảo vận hành bộ máy thông suốt, không làm gián đoạn nhu cầu liên quan đến thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp" - ông Chùy nói.
Còn tại xã biên giới Thanh Nưa (được sáp nhập từ 5 xã cũ của huyện Điện Biên) - xã có gần 30.000 dân và 73 thôn, bản, đây cũng là một trong những đơn vị hành chính xã, phường có số dân đông nhất tỉnh Điện Biên sau sáp nhập.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất của xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vì sử dụng trụ sở của xã cũ trong khi biên chế đã tăng gần 4 lần với hơn 100 người.
Người dân biên giới kỳ vọng vào hiệu quả của mô hình chính quyền 2 cấp - chính quyền phục vụ nhân dân. Ảnh: Thanh Bình
Theo ông Nguyễn Thái Bình - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nưa, với tinh thần phục vụ nhân dân, việc đầu tiên khi vận hành bộ máy mới, xã Thanh Nưa đã tập trung vào hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công. Do vậy, xã đã phân công 1 Phó Chủ tịch trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm.
Cùng với đó, xã cũng đã bố trí ba điểm giao dịch hành chính tại xã Thanh Nưa (cũ), xã Hua Thanh và Thanh Hưng (cũ). Tại mỗi điểm, đều có cán bộ túc trực để hướng dẫn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các nhu cầu chính đáng của người dân, không để trường hợp nào phải đi lại quá xa khi không thực sự cần thiết.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 1.7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa đã có 10 người dân đến giao dịch liên quan đến đất đai, trong đó đã có 1 trường hợp đã được giải quyết ngay. Những hồ sơ còn vướng mắc đều được cán bộ hướng dẫn tận tình về các thủ tục cần bổ sung.
"Bộ máy cấp xã ngay khi đi vào hoạt động thì mọi việc rất trơn tru vì đã được vận hành thử nghiệm từ trước. Tuy nhiên, do trình độ cán bộ, công chức không đồng đều nên chúng tôi phải vừa làm vừa điều chỉnh, đảm bảo mỗi người đều được bố trí đúng năng lực sở trường. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức phải nâng cao tinh thần cầu thị, học hỏi để mỗi ngày phục vụ nhân dân tốt hơn" - ông Nguyễn Thái Bình cho hay.
https://laodong.vn/xa-hoi/tan-dung-nha-thi-dau-da-nang-lam-noi-lam-viec-cua-cong-chuc-xa-1533552.ldo
VĂN THÀNH CHƯƠNG (báo lao động)