Tiêu dùng xanh trở thành xu thế tất yếu
Tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Người tiêu dùng hiện nay đã nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực đối với bảo vệ môi trường.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sử dụng túi giấy để đựng thuốc. Ảnh: Thùy Linh
Xu hướng tiêu dùng xanh đang len lỏi vào các gia đình
Một vài năm trở lại đây, khu vực bếp của chị Đào Phương Thúy (32 tuổi, Nam Từ Liêm - Hà Nội) đã gọn gàng hơn hẳn khi không còn chất đống túi nylon sau mỗi lần đi chợ về. Mang theo túi vải để đựng thực phẩm khô, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen của chị và các thành viên trong gia đình. Số lượng rất nhỏ những chiếc túi nylon bắt buộc phải dùng cũng không bị vứt đi ngay, mà được tận dụng nhiều lần.
"Tôi ưu tiên lựa chọn những siêu thị gói rau bằng lá chuối, đựng đồ vào túi giấy. Nếu quên mang túi cá nhân, tôi sẽ phân loại lại. Những túi sạch như túi giấy, túi đựng quần áo, đồ gia dụng tôi giữ lại để tái sử dụng. Còn các túi bẩn hơn thì tận dụng làm túi rác" - chị Thúy chia sẻ.
Gia đình chị cũng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút inox hay ống hút thủy tinh thay vì nhựa dùng một lần, sử dụng xơ mướp rửa bát thay cho lưới vải, đi du lịch thì mang theo bát đĩa sử dụng 1 lần làm từ các vật liệu tự nhiên như lá bàng, mo cau...
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi sinh và ngân sách cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn bị xả ra biển. Tuy nhiên, chỉ khoảng 27% trong số này được tái chế, còn lại chủ yếu bị chôn lấp hoặc phát tán ra môi trường. Mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỉ túi nylon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng khoảng 4 túi nylon.
Từ thành phố đến vùng nông thôn, từ rừng núi cho đến đại dương, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một “bóng ma” ám ảnh, làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sức khỏe cộng đồng.
Thực tế, nhiều địa phương hiện phải sử dụng ngân sách để bù chi phí xử lý rác do mức thu phí hiện tại không đủ trang trải. Điều này đi ngược nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", làm tăng gánh nặng cho tài chính công và làm chậm tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh việc khuyến khích chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường, một trong những giải pháp để hạn chế rác thải nhựa được cho là có triển vọng hiện nay là đề xuất đưa sản phẩm nhựa dùng một lần vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng.
Có chế tài đủ mạnh để kiểm soát
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Đại biểu tỉnh Bến Tre cũ) cho rằng, mức độ sử dụng túi nylon hiện nay đang ở mức báo động và cần có chính sách mạnh mẽ để kiểm soát. Với công nghệ xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp thì 100 năm mới phân hủy được các loại túi nylon này. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị mở rộng cơ sở thuế và áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy.
“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bao bì nhựa vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững” - đại biểu nói.Theo các đại biểu, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là
biện pháp tài chính hiệu quả để giảm phát thải, mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, sản phẩm sinh học phân hủy, từ đó từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng trong xã hội.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Đại biểu Hà Nội) đề nghị cần song song giữa việc đánh thuế và xây dựng lộ trình loại bỏ dần túi nylon khỏi thị trường trong nước, để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc đưa sản phẩm nhựa dùng một lần vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu được thực thi với lộ trình hợp lý, sẽ là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…
https://laodong.vn/kinh-doanh/tieu-dung-xanh-tro-thanh-xu-the-tat-yeu-1534796.ldo
Thùy Linh (BÁO LAO ĐỘNG)