Thời sự
Cập nhật lúc 09:04 23/09/2023 (GMT+7)
TPHCM tham vọng biến sông Sài Gòn nổi tiếng như sông Seine của Pháp

TPHCM đang muốn học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp) để phát triển sông Sài Gòn, biến con sông này trở nên đặc sắc, hấp dẫn, tạo sức cuốn hút của TPHCM trong tương lai.

TPHCM tham vọng biến sông Sài Gòn nổi tiếng như sông Seine của Pháp
Sông Sài Gòn uốn lượn như một "dải lụa" qua trung tâm TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Sông Sài Gòn đẹp nhưng người dân khó tiếp cận

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM trao đổi, làm việc với Viện Quy hoạch Vùng Paris (Pháp) để thực hiện tư vấn, đề xuất ý tưởng về quy hoạch chi tiết khu vực dọc bờ sông Sài Gòn và đưa kết quả nghiên cứu vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM.

Có thể thấy TPHCM muốn học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp) để phát triển sông Sài Gòn. Sông Seine của Pháp bắt nguồn từ cao nguyên Langres, dài khoảng 776km, chảy qua nhiều khu vực hành chính, nhưng nổi tiếng nhất là đoạn chảy qua thành phố Paris được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1991. Sông Seine nổi tiếng với các cây cầu và kiến trúc tuyệt đẹp hai bên bờ sông, điểm đến yêu thích của du khách khi đến Paris.

Sông Sài Gòn uốn lượn qua khu Thảo Điền và Thanh Đa.  Ảnh: Anh Tú
Sông Sài Gòn uốn lượn qua khu Thảo Điền và Thanh Đa. Ảnh: Anh Tú

Còn sông Sài Gòn dài 256km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM. Đoạn sông chảy qua TPHCM dài khoảng 80km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, do không có đường chạy dọc bờ sông, người dân TPHCM chỉ có thể tiếp cận sông Sài Gòn một đoạn ngắn ở công viên Bạch Đằng (Quận 1), hoặc những nơi chưa có công trình như khu vực Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hay huyện Hóc Môn, Củ Chi, người dân mới có thể nhìn thấy dòng sông từ trên bờ.

Đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất, thậm chí quá trình chiếm dụng đất hai bên bờ làm cho nhiều đoạn sông không thể tiếp cận. Bên cạnh nguy cơ bờ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông còn dễ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện,...

Quy hoạch tốt, 10 – 20 năm nữa sông Sài Gòn sẽ nổi tiếng

Tại Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, ngày 12.9, TS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sông Sài Gòn uốn lượn qua TPHCM như một "dải lụa", điều hiếm nơi nào có, nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng.

Ông Chính cho rằng, TPHCM có thể tập trung phát triển trước 15-20 km sông Sài Gòn đoạn qua khu Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, bởi đây được ví như "hòn ngọc" của thành phố. "Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của thành phố mà sẽ nổi tiếng trên thế giới" - ông Chính nói.

đ
Sông Sài Gòn có tiềm năng lớn phát triển du lịch. Ảnh: Anh Tú

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, khi bờ sông Sài Gòn được quy hoạch bài bản, diện mạo của TPHCM sẽ có sự thay đổi lớn, các công trình ven sông vì vậy mà được làm tăng giá trị. Mặt khác, người dân sinh sống ven sông và cả những khu vực khác được tạo điều kiện tiếp cận mặt sông dễ dàng.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (Quận 7).

Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông. Chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của thành phố Thủ Đức.

Đồng thời, chỉnh trang bờ Tây của khu trung tâm hiện hữu (gồm Quận 1 và một phần của các Quận 3, 4 và Bình Thạnh) theo hướng ưu tiên bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc với bản sắc văn hóa 300 năm phát triển của TPHCM.

Phát triển bờ Tây của khu trung tâm mới Thủ Thiêm với bản sắc trung tâm kinh tế tài chính và dịch vụ hiện đại. Chỉnh trang và phát triển khu vực cảng Sài Gòn và bán đảo Tân Thuận thành khu trung tâm hành chính mới, dịch vụ công cộng và đô thị xanh cho TPHCM.

Bờ sông Sài Gòn đoạn qua công viên bến Bạch Đằng (Quận 1) đã được chỉnh trang.  Ảnh: Anh Tú
Bờ sông Sài Gòn, đoạn qua công viên bến Bạch Đằng (Quận 1) đã được chỉnh trang. Ảnh: Anh Tú

Hiện TPHCM đang nghiên cứu làm tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ kéo dài từ Mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, tuyến đường ven sông Sài Gòn là điều cấp bách, cần thực hiện, hình thành trước để phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân. Đồng thời, có tuyến đường ven sông sẽ giúp TPHCM giảm áp lực về giao thông.

https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-tham-vong-bien-song-sai-gon-noi-tieng-nhu-song-seine-cua-phap-1245109.ldo

MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: