Tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công còn bất cập
Theo báo cáo giám sát chuyên đề, việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập.
Theo báo cáo giám sát chuyên đề, việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công còn một số bất cập. Ảnh: Quỳnh Chi
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, cho thấy chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động.
Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các Bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,...
Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn.
Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm.
Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ.
Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập.
Cơ chế đánh giá cán bộ chưa thực chất, tính định lượng chưa cao, chưa gắn với sản phẩm công việc cụ thể; thiếu cơ chế sàng lọc hiệu quả, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, uy tín thấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành nghề còn nhiều. Nguyên nhân là do việc đào tạo còn chưa gắn liền với thực tế sử dụng lao động.
Chương trình giảng dạy ở cấp đại học còn chưa gắn liền giữa lý thuyết với thực hành. Chất lượng giảng dạy của giảng viên cơ hữu vẫn còn yếu. Cơ sở vật chất để sinh viên thực hành còn hạn chế...
Để tạo phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế trên; đồng thời phải có dự báo về ngành nghề, nguồn nhân lực đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cần bám sát yêu cầu của 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành.
https://laodong.vn/thoi-su/tuyen-dung-su-dung-nguon-nhan-luc-o-khu-vuc-cong-con-bat-cap-1537177.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)