Thời sự
Cập nhật lúc 03:59 09/07/2025 (GMT+7)
Việt Nam cần tới 360 tỉ USD để hướng tới Net Zero

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tới 360 tỉ USD để hướng tới Net Zero trong khi GDP của Việt Nam chỉ khoảng 450-500 tỉ USD.

 

Việt Nam cần tới 360 tỉ USD để hướng tới Net Zero
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tới 360 tỉ USD thực hiện Net Zero. Ảnh: Tú Nguyệt

Ngày 9.7, Vietnam Economic Times tổ chức Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững".

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - cho biết, theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019, trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN; đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (sau Philippines) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng để lại những tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội và sức khỏe con người. Ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn phụ thuộc nặng nề vào khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 70%) giá trị xuất khẩu; giá trị gia tăng nội địa thấp (khoảng 30%) do công nghiệp hỗ trợ yếu và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Công nghiệp truyền thống như khai khoáng, luyện kim, và xi măng gây ô nhiễm nghiêm trọng, với năng lượng hóa thạch chiếm 75% tổng năng lượng tiêu thụ, làm gia tăng rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Trong bài toán tăng trưởng cao và phát triển bền vững, lời giải không ở sự đánh đổi, mà trong cách chúng ta nhìn nhận lại để thiết kế chiến lược công nghiệp một cách hài hòa nhất, vừa đảm bảo yêu cầu tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và phù hợp với khả năng thực tiễn Việt Nam.

Các nghiên cứu cho thấy, khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15-25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng. Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia đều đặt ESG và Net Zero là tiêu chí bắt buộc khi lựa chọn đối tác.

Phát biểu tại diễn đàn này TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho hay, Việt Nam cần tới 360 tỉ USD để hướng tới Net Zero.

“Không đổi mới công nghệ cao, Việt Nam không có cửa để phát triển thành nền kinh tế có thu nhập cao. Do đó, các doanh nghiệp phải chuyển đổi sang hướng này” - TS. Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.

TS. Bùi Thanh Minh cho biết, về mục tiêu và cam kết Việt Nam đặt ra, tăng công suất điện mặt trời lên 73 GW vào 2030 (gấp 5 lần mục tiêu trước); điện gió tăng từ 21 GW lên 38 GW; ưu tiên hiện đại hóa lưới điện, triển khai 18 dự án thủy điện tích năng. Về giao thông, Việt Nam tập trung triển khai kế hoạch hành động khử carbon, tập trung vào xe điện và giao thông công cộng. Về nông nghiệp cam kết giảm 30% khí mê-tan vào 2030 so với 2020 (theo COP26)…

Theo thông tin từ trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế với ngành công nghiệp đóng góp khoảng 35% GDP và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường và sử dụng tài nguyên.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển đổi theo hướng xanh - sạch - tuần hoàn, Việt Nam đứng trước yêu cầu bắt buộc phải tái định hình chiến lược phát triển công nghiệp. Nếu không kịp thời thích ứng, quốc gia có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển bền vững toàn cầu.

Đáng chú ý, trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh đã bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, thì công nghiệp xanh - vốn là trụ cột sản xuất quốc gia - vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero đến năm 2050.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh - bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Net zero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.

https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-can-toi-360-ti-usd-de-huong-toi-net-zero-1537399.ldo

Xuyên Đông (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: