Trang chủCông nhân 360
Công nhân 360
Cập nhật lúc 05:07 04/03/2021 (GMT+7)
NGHỊCH LÝ CUNG - CẦU LAO ĐỘNG: THỪA VẪN THỪA, THIẾU VẪN THIẾU Cơ quan kết nối cung - cầu lao động chưa hiệu quả!

Dù cả nước hiện có hơn 54 triệu lao động và toàn nền kinh tế tạo ra gần 54 triệu việc làm, thế nhưng, tình trạng DN không tuyển dụng được lao động là có; tình trạng nơi thiếu nhân lực, nơi thiếu việc làm là có. Chưa kể, các cơ quan trung gian trong kết nối việc làm, đặc biệt là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) hoạt động chưa thực sự hiệu quả... Đó là những nguyên nhân được ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ LĐTBXH) chỉ ra khi nhìn nhận những mảng miếng rời rạc của thị trường việc làm hiện nay trong cuộc trao đổi với PV Lao Động hôm 3.3.

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ LĐTBXH). Ảnh: Tạ Quang

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ LĐTBXH). Ảnh: Tạ Quang

Thưa ông, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tỉ lệ kết nối cung - cầu lao động trung bình 30%, nhóm lao động phổ thông là 7%. Ông đánh như thế nào về con số này?

- Tỉ lệ kết nối đó là con số thực tế. Có thời điểm thị trường ổn định, nhu cầu tuyển dụng cao và người lao động không bị tác động bởi những yếu tố khác thì tỉ lệ kết nối khá cao, lên đến 35%. Trong bối cảnh hiện nay, để đạt tỉ lệ 30% là điều hết sức lý tưởng bởi vì dịch bệnh, giãn cách xã hội và nhu cầu chịu tuyển dụng đã tác động rất lớn vào thị trường lao động.

Theo khảo sát của Báo Lao Động, hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn sản xuất trọng điểm như là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... rất nhiều DN tràn ra đường, căng băngrôn, chi hoa hồng môi giới, thậm chí hạ các tiêu chuẩn tuyển dụng xuống gần như bằng không. Trong khi đó, ghi nhận thực tế cũng cho thấy người lao động, trong đó có nhóm lao động phổ thông rất khó khăn do thiếu việc làm. Nơi thiếu thì vẫn thiếu, chỗ thừa thì vẫn thừa. Tại sao lại có câu chuyện này?

- Trong bối cảnh dịch bệnh, xuất hiện tình trạng một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong khi yêu cầu phát triển kinh tế vẫn diễn ra bình thường. Chuyện cung ứng lao động cũng như quá trình tìm việc của người lao động ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh. Mặt khác, đối với các DN, nhu cầu tuyển dụng khá lớn, thậm chí có nơi tuyển dụng hàng nghìn lao động. Có những địa phương hạn chế tiếp nhận lao động đến từ vùng dịch; tâm lý người lao động còn e dè trong chuyện tìm kiếm việc làm, đặc biệt là khu vực miền Trung - nơi có nguồn cung lao động tương đối lớn. Các ngành chịu tác động của COVID-19 rất lớn như: Hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng... lao động ở các ngành này cũng dịch chuyển tìm việc ở các ngành khác. Các nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng cung - cầu lao động nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Các TTDVVL và ngành LĐTBXH đã hết sức cố gắng trong việc cung cấp thông tin và tư vấn cho người lao động nhưng sự cố gắng đó vẫn chưa đủ để có thể cung cấp thông tin kịp thời đến người lao động, hỗ trợ người lao động trong quá trình dịch chuyển lao động.

Theo ông, trách nhiệm của hệ thống TTDVVL nói chung đến đâu và các đơn vị này nên có đề xuất gì để cải thiện tình hình khi chúng ta phải thừa nhận thời gian qua chưa làm tốt kết nối cung - cầu lao động?

- Trong điều kiện bình thường cũng có hiện tượng thừa thiếu cung - cầu lao động. Hiện nay, các trung tâm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có nguồn cung lao động lớn. Ví dụ, khu vực miền núi phía Bắc, lãnh đạo các trung tâm và lãnh đạo Sở LĐTBXH luôn phối hợp trong quá trình triển khai hoạt động. Điều này giúp tạo các dòng dịch chuyển lao động, không chỉ lao động miền Trung vào miền Nam làm việc mà còn cả dòng lao động miền Trung ra miền Bắc. Tuy nhiên sự phối kết hợp này chưa đủ mạnh để hạn chế tối đa việc mất cân đối trong cung - cầu lao động.

Ngành LĐTBXH đã hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là TTDVVL tăng cường kết nối hơn, chia sẻ thông tin mà mình tổng hợp, thu thập lao động và phổ biến lại cho các địa phương. Các địa phương có thể chủ động kết nối trực tiếp hoặc chia sẻ trong hệ thống. Các hoạt động này đã triển khai nhưng cần phải chủ động hơn và tích cực hơn.

Theo tính toán, trước đây mỗi năm thị trường được cung ứng hơn 1 triệu lao động, gần đây chúng ta chỉ còn một nửa, thậm chí chỉ 400-500.000 người. Con số này có xác thực hay không và ông đánh giá như thế nào?

- Rõ ràng già hóa dân số đang thể hiện rất rộng và độ già hóa của ta rất nhanh. Tốc độ già hóa của Việt Nam gần như đang nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng dân số thấp cũng ảnh hưởng đến nguồn cung lao động thấp. Tác động của dịch bệnh cũng làm cho tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp. Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2020 chỉ 73,2% lao động tham gia thị trường; cùng kỳ năm 2019 là 76%. Như vậy là tỉ lệ tham gia lực lượng lao động do tác động của dịch bệnh làm cho giảm hơn 4 điểm %, nó tương đương như số liệu chị vừa nêu.

Chúng tôi đang dự kiến khả năng quý I/2021 tỉ lệ tham gia lực lượng lao động cũng không cao như năm 2019, thậm chí có thể thấp quý II/2020. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, cơ hội việc làm cho người lao động rất nhiều lựa chọn dẫn đến có những thời điểm cục bộ ở một số lĩnh vực thiếu nguồn cung lao động cũng là điều dễ hiểu.

Chúng ta đã mất đi khá nhiều ưu thế truyền thống như nguồn cung lao động dồi dào, giá rẻ, cần cù và chịu khó. So với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, trong ngắn hạn và trung hạn, sự thiếu hụt nguồn cung lao động này gây ra khó khăn gì?

- Mong muốn của chúng ta trong thời kỳ kinh tế bùng nổ này thu hút đầu tư nước ngoài. Rõ ràng nguồn cung thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế nói chung cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Không chỉ trung hạn mà cả dài hạn, lợi thế cạnh tranh của chúng ta đang càng ngày càng hạn chế đi bởi vì ngay chính bản thân chúng ta đang chuyển dịch cơ cấu, tức là hạn chế bớt phát triển vị trí việc làm thâm dụng lao động hoặc những ngành thâm dụng lao động để tăng cường đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm có hàm lượng trí thức cao hơn.

Câu chuyện này giai đoạn trước mắt sẽ dẫn đến tình trạng có thể dư thừa lao động nhưng chúng ta phải chấp nhận để phát triển kinh tế mạnh hơn, áp dụng các tiến bộ khoa học nhiều hơn.

Ông có thể cho biết tại thời điểm này thị trường lao động tổng cung bao nhiêu, tổng cầu bao nhiêu?

- Tỉ lệ tham gia giảm nhưng nhìn tổng thể thì chúng ta có hơn 54 triệu lao động với gần 54 triệu việc làm.

Nhiều chương trình kết nối việc làm bị đánh giá “đầu voi đuôi chuột”, thời gian tới ông có đề xuất gì để mạnh dạn bỏ mô hình không hiệu quả, đầu tư cho mô hình hiệu quả nhằm tạo nên sự đột phá trong kết nối cung - cầu lao động?

- Đưa ra rất nhiều hình thức hỗ trợ cho DN và người lao động, tuy nhiên đúng là có những cái chúng ta cần xem lại quy trình, cách thức tổ chức. Chúng tôi xây dựng lại các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa việc đăng ký và tìm kiếm việc làm. Hiện nay người lao động và DN không phải đến tận trung tâm người ta mới tìm được mà có thể dùng smartphone để tìm kiếm tại nhà hoặc cơ quan. Chúng tôi cần phải nắm bắt được nhu cầu và xu hướng đó để đổi mới hoạt động của mình. Đây mới là cái đi đúng hướng.

Về phía ngành LĐTBXH, cần có ghi nhận và đánh giá lại tất cả các hình thức giao dịch làm sao để có hiệu quả. Đưa ra phương pháp, cách thức tổ chức mới phù hợp hơn không chỉ bối cảnh hiện nay và cả bối cảnh dịch bệnh.

- Xin cảm ơn ông!

https://laodong.vn/cong-doan/co-quan-ket-noi-cung-cau-lao-dong-chua-hieu-qua-885499.ldo

QUỲNH CHI THỰC HIỆN (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: