Thiếu nhà ở xã hội, công nhân “liều” mua nhà trong vùng giải toả
Đồng Nai với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó đa số là người nhập cư nhưng đến nay mới chỉ có 1.581 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân. Một số công nhân đã “liều” mua nhà đất “giấy tay” nằm trong quy hoạch để an cư, nhưng chỉ được vài năm thì bị giải toả khiến họ lâm vào cảnh tiền mất, không có nhà ở.
Anh Giang bên căn nhà sắp bị giải toả trắng. Ảnh: Hà Anh Chiến
Mất trắng vì mua nhà “giấy tay”
Anh Hồ Hoàng Giang - công nhân Công ty CP Starprint Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hoà) - từ tỉnh Quảng Nam vào Đồng Nai lập nghiệp, đã có vợ và 3 con.
Năm 2012, anh Giang mua mảnh đất “giấy tay” giá 80 triệu đồng, vay gia đình và đồng nghiệp 140 triệu đồng để xây nhà vài chục mét vuông tại phường Long Bình, TP.Biên Hoà. Ở chưa được bao lâu, dự án triển khai, nhà anh nằm trong diện giải toả trắng.
Anh Giang chia sẻ: “Tôi đã được cảnh báo nhưng cứ nghĩ quy hoạch rồi để đó, ai ngờ mới chỉ 2 năm thì dự án làm bờ kè. Sắp tới cả gia đình 5 người lại lâm vào cảnh không nhà cửa, phải chuyển ra nhà trọ sinh sống”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, căn nhà nhỏ anh Giang ở đã bị cào ủi tới trước sân nhà, chỉ chờ giải toả.
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó đa số là người nhập cư, nhu cầu về chỗ ở luôn rất cao. Toàn tỉnh có hơn 20.000 khu nhà trọ với hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.
Theo Sở Xây dựng, đến nay Đồng Nai đã hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Đồng Nai hiện có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, riêng các khu công nghiệp có hơn 614.000 người lao động.
Nan giải vấn đề giúp công nhân được sở hữu nhà
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, có hơn 50% người lao động được hỏi cho biết, giá trị căn hộ theo khả năng tài chính của họ có thể thanh toán được chỉ dưới 300 triệu đồng. Việc sở hữu một căn nhà, căn hộ đối với họ là vấn đề khó khăn. Những người có thời gian làm việc tại Đồng Nai trên 15 năm cũng có trên 60% trả lời rằng họ chỉ có đủ khả năng mua được những căn nhà/căn hộ có giá dưới 300 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết: Về vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội cho công nhân, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn thấp so với nhu cầu nhà ở của khoảng 400.000 người lao động và cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có quy định cụ thể, giao trách nhiệm cho từng địa phương, đặc biệt là các địa phương có đông công nhân lao động phải xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động.
Ngoài ra, việc xây dựng Thiết chế công đoàn của Đồng Nai, Tổng LĐLĐVN cũng đã ký kết quy chế phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Trên cơ sở giới thiệu địa điểm của tỉnh Đồng Nai, khu thiết chế công đoàn dành cho đoàn viên người lao động sẽ được xây dựng gồm khu nhà ở liền kề 3 tầng, 3 khu chung cư 15 tầng; nhà đa năng 2 tầng; nhà dịch vụ 2 tầng, gara để xe… Tổng số căn hộ xây dựng được là 700 căn, phục vụ cho 1.350 người.
Ngoài ra, dự án còn triển khai xây dựng các công trình phục vụ đời sống văn hoá giải trí cho đoàn viên người lao động như: Quảng trường trung tâm, siêu thị Công đoàn, văn phòng tư vấn pháp luật, nhà thuốc, phòng khám bệnh, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân, hệ thống vườn hoa, cây xanh, sân thể thao…
Ngày 17.5, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, đối với nhà ở xã hội sẽ xây dựng 2.500 căn tương ứng với 200.000m2 sàn, vốn đầu tư nhà ở xã hội là 2.539 tỉ đồng.
https://laodong.vn/cong-doan/thieu-nha-o-xa-hoi-cong-nhan-lieu-mua-nha-trong-vung-giai-toa-1047980.ldo
HÀ ANH CHIẾN (BÁO LAO ĐỘNG)