Đi làm ở thành phố hàng chục năm, lao động gần như không có tích lũy
Nhiều lao động làm việc ở thành phố hàng chục năm nhưng gần như không có tích lũy hoặc tích lũy được rất ít.
Sau 14 năm sống ở Hà Nội, anh Đặng Văn Tiến vẫn chỉ đi lại bằng chiếc xe máy cũ. Lao động này cho hay, lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Ảnh: Quỳnh Chi
Anh Đặng Văn Tiến (quê ở phường Quang Trung, Thanh Hóa) rời quê ra Hà Nội làm việc từ năm 2011. Sau 14 năm sống ở Hà Nội, anh Tiến vẫn chỉ đi lại bằng chiếc xe máy cũ, ở trọ cùng một người đồng hương và không có tài sản, tích lũy gì đáng giá.
Anh Tiến cho hay, 14 năm qua anh chuyển chỗ làm 3 lần, công việc chỉ xoay quanh các cửa hàng sửa chữa, spa điện thoại. Hồi mới ra Hà Nội làm việc, lương của anh Tiến được 5 triệu đồng/tháng; nay anh đang nhận lương 11 triệu đồng/tháng, được bao ăn bữa trưa.
“11 triệu đồng tiền lương, tôi chi trả cho tiền thuê nhà, tiền ăn bữa tối và điện nước hết khoảng 5 triệu đồng. Các khoản không thể cắt bỏ khác như tiền xăng xe, điện thoại cũng tốn khoản 1 triệu đồng. 5 triệu đồng còn lại, tôi gửi cho em trai là sinh viên đại học 1 triệu đồng; thanh niên chưa vợ nên không tránh khỏi những cuộc vui chơi, nhậu nhẹt với bạn bè cuối tuần. Lương tháng nào gần như hết tháng đó, không có tích lũy”, anh Tiến nói.
Cũng theo anh Tiến, nếu muốn sắm sửa hay mua vật dụng sinh hoạt gì, anh sẽ vay tiền bạn bè, sau đó khi có lương sẽ trả và tự “gò” bản thân tiêu trong số tiền còn lại. Những tháng nhiều đám hiếu, hỉ hay công việc phát sinh, anh phải vay mượn thêm, chờ tháng lương lại trả nợ.
Cũng chưa lập gia đình như anh Tiến, chị Bùi Thị Hạnh (quê tỉnh Ninh Bình) hiện thuê trọ tại Tổ dân phố số 3, phường Hà Đông (Hà Nội) và làm công nhân cho một xưởng sản xuất bánh mì, bánh ngọt tại phường Thanh Liệt (Hà Nội).
Chị Hạnh từ quê lên Hà Nội đã 8 năm nay, chỉ làm cho xưởng bánh, lương từ 6 triệu đồng/tháng, nay được 10 triệu đồng/tháng.
“8 năm ở Hà Nội, tôi mua được 1 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, đổi điện thoại 2 lần, mỗi tháng gửi cho mẹ được khoảng 1 triệu đồng. Lương mỗi tháng chi cho tiền thuê nhà, tiền ăn, chi tiêu sinh hoạt nên cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Tôi chỉ mong không đau ốm hay có việc gì phát sinh vì nhìn số tiền tiết kiệm được, nếu ốm nặng tôi còn sợ không đủ chi phí mà cáng đáng”, chị Hạnh nói.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Nga thì còn khó khăn hơn anh Tiến và chị Hạnh. Quê ở tỉnh Tuyên Quang, chị Nga xuống Hà Nội làm công nhân may từ năm 2013. Năm 2021, chị kết hôn với người đồng hương làm nghề xe ôm công nghệ. Cưới xong, vợ chồng chị Nga thuê phòng trọ tại phường Cầu Giấy.
Năm 2023, chị Nga sinh con trai đầu lòng. Sau một thời gian mẹ ruột xuống chăm cháu, được 1 năm, chị Nga cai sữa con và cho con về ở với ông bà ngoại.
“Lương tôi mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng, thu nhập của chồng thì bấp bênh không cố định. Mỗi tháng tôi chi cho tiền thuê nhà, tiền ăn tiêu của 2 vợ chồng khoảng 7 triệu đồng; gửi về quê cho bà 3 triệu đồng để bà chăm sóc con trai. Toàn bộ lương tôi coi như chi hết. Còn lại thu nhập của chồng, tôi dành dụm mua sắm được ít vật dụng sinh hoạt và phòng khi đau ốm. Nghĩ cảnh thuê nhà ở Hà Nội bao năm, nay có con lại không được ở gần con, chúng tôi tính về quê lập nghiệp”, chị Nga buồn bã nói…
Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3-4.2025 với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố, chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).
Có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
https://laodong.vn/cong-doan/di-lam-o-thanh-pho-hang-chuc-nam-lao-dong-gan-nhu-khong-co-tich-luy-1535185.ldo
QUỲNH CHI (BÁO LAO ĐỘNG)