Giá điện tăng, người thuê trọ bị thu tiền điện với giá cao so với mức quy định
Hà Nội - Bất chấp quy định pháp luật, nhiều chủ nhà trọ thu tiền với giá điện vượt mức cho phép, đẩy người thuê trọ bị tăng thêm chi phí.
Chủ trọ thu vượt mức quy định về giá điện
Kể từ ngày 10.5.2025, mức giá bán lẻ điện bình quân mới được điều chỉnh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Ngay sau khi giá điện tăng, tại nhiều khu nhà trọ – nơi cư trú của công nhân, người lao động phổ thông và sinh viên – giá bán điện theo đó cũng bị đẩy lên một cách thiếu kiểm soát.
Tại một khu nhà trọ trên địa bàn phường Từ Liêm (TP Hà Nội), chủ nhà đang thu giá điện tới 4.000 đồng/kWh, cao gần gấp đôi mức quy định.
Một khu nhà trọ trên địa bàn phường Từ Liêm (TP Hà Nội), chủ nhà đang thu giá điện tới 4.000 đồng/kWh. Ảnh: Quyên Phạm
Người thuê trọ phải thanh toán tiền điện với giá 4.000 đồng/kWh. Ảnh: Quyên Phạm
Anh Phạm Thành Tuấn (tên nhân vật đã thay đổi) chia sẻ: “Tháng vừa rồi, tôi dùng 125 số điện, bị tính 4.000 đồng/số. Tổng cộng hết 500.000 đồng tiền điện. Trong khi lương không tăng, mà cái gì cũng tăng. Không biết có trụ nổi nữa không”.
Tương tự như anh Tuấn, anh Cường - chia sẻ: "Tôi đang thuê nhà trọ trên địa bàn xã Thiên Lộc (TP Hà Nội). Tháng trước, tôi sử dụng 72 số điện, chủ nhà trọ đã tính tổng tiền điện là 262.000 đồng. Như vậy, chủ nhà trọ đã thu gần 3.500 đồng/kWh. Chúng tôi biết chủ trọ thu cao, nhưng không có chỗ khác ở. Phản ánh thì chủ có thể lấy cớ tăng tiền phòng hoặc đuổi đi."
Người lao động thành “nạn nhân kép”
Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, tình trạng chủ trọ thu tiền điện cao hơn quy định đã tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, sinh viên. Mặc dù Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định rõ: “Chủ nhà trọ chỉ được thu tiền điện không cao hơn mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (hiện là 2.380 đồng/kWh)”, nhưng việc kiểm tra, giám sát và xử phạt vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Một khu nhà trọ trên địa bàn phường Từ Liêm (TP Hà Nội). Ảnh: Quyên Phạm
Luật sư Châu Duy Nguyên – Văn phòng Luật sư An Đăng (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) – phân tích: “Hành vi thu tiền điện cao hơn quy định là trái pháp luật. Tuy nhiên, người thuê trọ là nhóm yếu thế, ít hiểu biết pháp luật, lại ngại va chạm vì sợ mất chỗ ở, nên phần lớn đành phải chấp nhận. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, ngành điện và cơ quan thanh tra, người lao động sẽ tiếp tục là 'nạn nhân kép' – vừa chịu tác động của giá điện tăng chính thức, vừa bị thu thêm các khoản bất hợp lý”.
Luật sư Nguyên cũng dẫn chiếu quy định pháp luật: “Khoản 6 Điều 12 Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: "Người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.”
Giải pháp nào cho người lao động?
Luật sư Nguyên cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tăng giá cần đi kèm các biện pháp giám sát, hỗ trợ và bảo vệ nhóm yếu thế. “Nếu chỉ chú trọng thu mà thiếu kiểm tra, giám sát thì mỗi lần giá điện tăng, người lao động nghèo lại là nhóm bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất.”
Luật sư Nguyên cũng đề xuất: “Công ty điện lực và UBND cấp xã cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thu tiền điện tại các khu nhà trọ. Đây không đơn thuần là câu chuyện kinh tế, mà còn là vấn đề an sinh xã hội. Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân do Nhà nước hoặc công đoàn quản lý, với mức thu điện hợp lý, minh bạch. Nếu để thị trường tự điều tiết hoàn toàn, người lao động sẽ mãi mắc kẹt trong vòng xoáy: làm nhiều – chi tiêu nhiều – không tích lũy được gì”.
https://laodong.vn/cong-doan/gia-dien-tang-nguoi-thue-tro-bi-thu-tien-dien-voi-gia-cao-so-voi-muc-quy-dinh-1535011.ldo
QUYÊN PHẠM (BÁO LAO ĐỘNG)