Điều này đồng nghĩa thu nhập của bà Phương giảm gần 2 triệu đồng/15 ngày cuối tháng tháng.
“Trước đây tăng ca đều đặn 2,5 tiếng/ngày cả tháng, tôi được nhận hơn 3 triệu đồng và thêm một bữa ăn trong 26 ngày là 520.000 đồng. 15 ngày cuối tháng, tôi chỉ làm giờ hành chính đồng nghĩa thu nhập giảm khoảng 1,8 triệu đồng” - bà Phương nói.
Bên cạnh đó, bà Phương cho biết, lãnh đạo thông báo sẽ làm giờ hành chính đến hết tháng 6, tháng 7 dự kiến mới tăng ca trở lại. Nếu tháng 6 không tăng ca, thu nhập của nữ công nhân chỉ còn khoảng 7 triệu đồng, giảm gần 4 triệu đồng.
Dù có nhiều thời gian chăm cháu, tái tạo sức khỏe nhưng bà Phương - công nhân ở Hà Nam vẫn mong được tăng ca để đảm bảo thu nhập. Ảnh: Minh Hương.
Với 8 năm làm việc, bà Phương được hưởng nhiều phụ cấp và lương cơ bản cao hơn những người khác. Nếu là lao động mới vào công ty, theo nữ công nhân, nếu chỉ làm giờ hành chính, lương không vượt quá 6 triệu đồng.
Không còn thời gian tăng ca, bà Phương có thể về sớm chăm sóc các cháu cũng như có nhiều thời gian cho gia đình, cơ thể khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trong thâm tâm, bà Phương vẫn mong công ty có đơn hàng sớm trở lại để được tăng ca như trước.
“Bây giờ tôi còn sức khỏe, thời gian tăng ca đủ để chi tiêu, sinh hoạt và tích lũy sau này. Mấy năm nữa yếu dần, muốn tăng ca cũng khó. Tôi mong sao công ty sớm có nhiều đơn hàng để người lao động tăng ca, đảm bảo thu nhập. Bởi làm giờ hành chính chẳng dư được đồng nào” - bà Phương cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thúy (32 tuổi, Hà Nam) - công nhân sản xuất đồ chơi cho biết, năm nay mùa ít việc đến sớm hơn khiến bản thân khá lo lắng.
“Hằng năm, khoảng tháng 7 mới vãn việc, năm nay ngay từ giữa tháng 5, công ty đã thông báo đầu tháng 6 chỉ làm giờ hành chính" - chị Thúy nói.
Chia sẻ về thu nhập, chị Thúy cho biết, cả tháng tăng ca làm đến 20h, chị được nhận 10 - 10,5 triệu đồng. Nếu trừ đi số tiền tăng ca và phụ cấp trên bảng lương chỉ được khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Theo nữ công nhân, nếu không khéo chi tiêu có thể thiếu trước hụt sau, bởi gia đình chị Thúy vẫn phải đang gồng gánh thêm khoản nợ xây nhà.
Không chỉ các công nhân làm việc theo thời gian, nhiều công nhân làm việc theo hình thức khoán (trả lương theo sản lượng) cũng lo lắng khi công ty cho về sớm.
Chị Phạm Thị Hân (30 tuổi) - công nhân may tại Nam Định chia sẻ, từ ngày 19.5, công ty đã thông báo tắt điện ra về lúc 17h30 thay vì 18h30 như trước. Thời gian làm việc ít hơn đồng nghĩa sản lượng ra kém hơn khiến thu nhập nữ công nhân giảm hơn 1 triệu đồng.
“Ở lại làm thêm 1 tiếng giúp chúng tôi làm ra được khá nhiều hàng để đảm bảo thu nhập. Công ty cũng sẽ hỗ trợ thêm 20.000 đồng tiền tăng ca. Nay phải về sớm, tính ra cả tháng, thu nhập của tôi giảm hơn 1 triệu đồng” - chị Hân cho hay.
Nữ công nhân cho biết, thời gian làm việc 18h30 kết thúc khá lý tưởng bởi không quá muộn nên cơ thể không cảm thấy mệt mỏi, buổi tối về nhà vẫn còn nhiều thời gian cho gia đình.
Chị Hân mong muốn sang tháng 6, công ty sẽ có đơn hàng lớn trở lại để đảm bảo thu nhập, an tâm đi làm hàng tháng.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-con-tang-ca-thu-nhap-cua-cong-nhan-giam-gan-2-trieu-dong-1513247.ldo