Nghỉ việc để rồi thất nghiệp, người lao động loay hoay với cuộc sống. Ảnh: Minh Hương.
Chị Hà - nhân viên văn phòng, sau khi nghỉ việc mới nhận ra thị trường lao động không còn dễ như trước. Thất nghiệp gần 1 tháng, chị Hà phải thay đổi mọi kế hoạch chi tiêu, mỗi ngày chi tiêu tối đa 40.000 đồng.
Theo nữ nhân viên, quãng thời gian thất nghiệp là nỗi ám ảnh mỗi khi nhớ lại.
“Tôi nghỉ việc do sếp "bật đèn xanh" ngụ ý có người khác năng lực không thua kém nhưng sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn tôi hiện tại. Đỉnh điểm khi sếp ngày càng gây khó dễ trong công việc khiến tôi quyết định dứt áo ra đi dù chưa làm đủ 1 năm để hưởng trợ cấp thất nghiệp” - chị Hà cho hay.
Công việc của chị Hà là nhân viên chăm sóc fanpage. Sau khi nghỉ việc, chị Hà đã "rải" hồ sơ xin việc gần chục công ty nhưng rất ít công ty phản hồi. Cũng có vài công ty phản hồi nhưng sau khi phỏng vấn, chị Hà lại không ưng ý bởi khoảng cách xa hoặc mức lương thấp hơn kỳ vọng…
Quá trình tìm việc, chị Hà nhận ra thị trường lao động hiện tại vô cùng khốc liệt, không còn giống như trước. Cung nhiều hơn cầu, đồng thời nữ nhân viên phải cạnh tranh với AI đến mức, lương khởi điểm của 2 năm trước vẫn là một con số khá lý tưởng của hiện tại.
Thời gian thất nghiệp, chị Hà chia sẻ, trong người có 8 triệu đồng nhưng sau khi chi trả phòng trọ, điện nước… cũng chỉ còn hơn 6 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa nữ nhân viên phải thay đổi lại thói quen chi tiêu, sinh hoạt của bản thân.
“Buổi sáng tôi nhịn ăn, ngủ đến 8h30 mới dậy, vận động cơ thể, lên mạng tìm việc… đến 10h30 mới đi ăn trưa. Bữa trưa lúc thì bánh mì, hộp sữa, khi là hộp xôi, mì tôm. Chỉ có duy nhất bữa tối là tôi ăn cơm, tôi nấu ăn hoặc ăn hộp cơm tối đa 30.000 đồng để tiết kiệm” - chị Hà nhớ lại.
Thời gian chưa tìm được việc, chị Hà cũng từ chối các cuộc gọi ăn uống cùng bạn bè, chỉ đi uống nước để đỡ lãng phí nhưng chỉ vài buổi một tháng.
Khi bố mẹ hay người thân gọi điện hỏi về công việc, chị Hà trả lời qua loa vẫn đang đi làm bình thường chứ không dám nói sự thật.
Cứ thế, 25 ngày thất nghiệp, cân nặng của chị Hà sụt giảm do ăn uống thiếu chất, không điều độ, thi thoảng cũng bị đau dạ dày vì… đói, nhịn ăn sáng.
Thất nghiệp càng khiến chị Hà thấm thía lời khuyên của người đồng nghiệp đã làm cùng 8 năm, dù không hài lòng nhưng vẫn cứ bám trụ chứ không xin nghỉ việc.
Cuối cùng, khi mức độ trầm cảm vì thất nghiệp diễn ra quá lâu, chị Hà cho biết đã phải hạ thấp nhu cầu khi tìm việc. Để có công việc, nữ nhân viên đã chấp nhận mức lương thấp hơn 2 triệu đồng so với công việc cũ.
Dù thu nhập thấp nhưng theo chị Hà vẫn hơn là kéo dài thêm khiến mệt mỏi về mọi mặt.
“Khi muốn nghỉ việc, tôi cho rằng, cần cố gắng làm trên 1 năm để đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chỉ nên nghỉ việc khi đã tìm được công việc mới hoặc nhìn thấy những cơ hội chắc chắn sau khi nghỉ chứ không phải mơ hồ, nghỉ việc theo cảm tính, sở thích” - chị Hà nhắn nhủ.
https://laodong.vn/cong-doan/nghi-viec-de-roi-that-nghiep-nguoi-lao-dong-nhin-bua-sang-loay-hoay-voi-cuoc-song-1511195.ldo