Chị Võ Thị Ngọc My đang ngồi may trong phòng trọ. Ảnh: Nam Dương
Chiều 12.5, chúng tôi đến thăm phòng trọ của gia đình anh Huỳnh Văn Phong - công nhân Tổng Công ty CP Phong Phú - tại đường Nam Hòa, phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Lúc này, anh Phong đang đi làm, chỉ có chị Võ Thị Ngọc My, vợ anh, đang ngồi may trong căn phòng trọ rộng khoảng 15–16m² (chưa tính gác xép). Trung bình mỗi tháng, nhà chị tiêu thụ khoảng 400kWh điện. Với mức giá 3.000 đồng/kWh do chủ nhà thu, và hiện chủ nhà trọ chưa thông báo tăng tiền điện. "Nếu bây giờ chỉ tính tiền điện theo bậc 3 trong bảng giá 6 bậc thì cũng thuận tiện cho chúng tôi", chị My nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - Công nhân Công ty Nidec Việt Nam, đang ở trọ tại đường số 138, Phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM - cho biết, mức giá điện bình quân chủ nhà tính là 2.800 đồng/kWh. Trung bình mỗi tháng, phòng trọ của chị sử dụng hết 180 - 220 kWh, tiền điện tốn khoảng 520.000 - 600.000 đồng và hiện nay chủ nhà trọ cũng chưa thông báo sẽ tăng giá điện.
Ông Nguyễn Thành Tâm - chủ khu nhà trọ ở phường Thạnh Lộc, Quận 12, TPHCM cho biết, gia đình ông hiện có 160 phòng trọ với khoảng 400 người thường xuyên ở trọ tại đây. Từng phòng trọ đều được gia đình ông gắn đồng hồ điện, nước riêng, người dùng bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu. Gia đình ông cũng đăng ký tạm trú đầy đủ cho những người ở trọ và liên hệ với ngành điện để tính định mức điện cho người ở trọ theo quy định và hiện gia đình ông Tâm chưa tăng tiền điện với người ở trọ dù ngành điện đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%.
"Nếu áp dụng tính giá điện bình quân theo bậc 3 trong khung 6 bậc như đề án của TPHCM quy định thì cũng rất tiện lợi cho cả người ở trọ và chủ nhà trọ vì cách tính cũng đơn giản", ông Tâm nói.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thương - chủ khu nhà trọ ở phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM việc gia đình bà thu tiền điện mức giá bình quân 3.000 đồng/kwh đều được các người ở trọ đồng thuận, do chỉ nhỉnh hơn giá điện bậc 3 cộng thêm thuế giá trị gia tăng. Phần chênh lệch chút đỉnh đó là để sử dụng vào việc tu bổ đường dây, thiết bị để bảo đảm an toàn điện cho cả khu nhà trọ. Bà Thương cũng cho biết, mặc dù ngành điện đã quyết định tăng giá điện thêm 4,8%, nhưng gia đình bà sẽ không tăng tiền điện trong những tháng tới.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM - cho biết, theo quy định hiện nay, có hai cách tính tiền điện với người ở trọ. Cách thứ nhất, nếu chủ nhà trọ có đăng ký tạm trú cho người ở trọ, thì ngành điện sẽ tính tiền điện theo cách cứ 4 người được tính một định mức và tính giá điện theo giá bậc thang. Trường hợp chủ nhà trọ không có đăng ký tạm trú thì người ở trọ được tính tiền điện ở bậc 3 trong biểu giá 6 bậc.
Nếu áp dụng tính tiền điện cho người ở trọ theo bậc 3 thì thuận tiện cho cả ngành điện và người ở trọ. Vì thực tế, nhiều người ở trọ cũng chưa biết đến bảng giá điện 6 bậc và cách tính lũy tiến theo số điện tiêu thụ.
https://laodong.vn/cong-doan/tphcm-ap-dung-gia-dien-bac-3-cho-nguoi-thue-tro-1506488.ldo