Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 2002, Tuyên Quang) quyết định đi làm ngay từ năm nhất đại học. Chia sẻ về lựa chọn này, chị Thảo cho biết, đi làm sớm sẽ tích lũy kinh nghiệm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống ở một thành phố đắt đỏ như Hà Nội.
Hiện tại, Thanh Thảo đang là nhân viên thực tập part-time tại một công ty truyền thông. Bạn trẻ đã gắn bó được với công việc này khoảng nửa năm vì cảm thấy phù hợp với năng lực hiện tại cùng định hướng trong tương lai.
Có kinh nghiệm đi làm từ sớm nên cô gái trẻ cũng được va chạm với nhiều vấn đề, ngoài thuận lợi là có thêm thu nhập, kinh nghiệm và mối quan hệ mới.
Thảo cho rằng, việc đi làm sớm gây ảnh hưởng đến lịch trình học tập, sinh hoạt là điều thường thấy. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và điều phối của chị nên cơ bản chưa có ảnh hưởng lớn, nhất là liên quan đến chất lượng.
Song, Thảo vẫn cho rằng, sinh viên nên ưu tiên việc học, tích lũy kiến thức và trau dồi kỹ năng lên hàng đầu. Nếu có thể sắp xếp cân bằng về mặt thời gian dành cho bản thân và gia đình, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể cùng định hướng phát triển của cá nhân thì mới nên đi làm.
Nguyễn Thuỳ Linh (sinh năm 2003, Quảng Ninh) cũng quyết định đi làm từ năm hai đại học, thấy bạn bè đi làm nhiều nên chị cũng muốn thử sức, đồng thời để tăng vốn hiểu biết xã hội và trở nên bạo dạn hơn.
Linh lựa chọn làm nhân viên quán trà sữa và có mong muốn trải nghiệm đa dạng ngành nghề. Chị chia sẻ, bản thân là một người khá nhút nhát nên gặp phải không ít vấn đề tâm lý khi bắt đầu đi làm.
“Hồi đầu đi làm, tôi stress lắm, đến nơi làm, tôi không dám bắt chuyện ai, rồi băn khoăn liệu mình có làm được không, làm việc gì,…” - Thuỳ Linh bộc bạch.
Với Linh, việc đi làm thêm không quá ảnh hưởng đến thời gian dành cho các công việc khác. Linh thường cân bằng việc đi làm với hoạt động học tập, rèn luyện bằng cách sắp xếp thời gian đi làm không trùng với thời gian học trên trường, không làm quá sức, duy trì thời gian nghỉ ngơi thích hợp với bản thân.
Khác với Thuỳ Linh, Phương Linh (sinh năm 2003, Hà Nội) lại thấy “sốc” khi bắt đầu đi làm bởi lượng công việc lớn, trong một ca thậm chí phải làm nhiều việc hơn so với mức lương được nhận.
Cùng làm ở vị trí nhân viên thu ngân nhưng Phương Linh lại nhận thấy: “Tuy đi làm lấy trải nghiệm nhưng tiền công được trả không xứng đáng với những gì bỏ ra. Sau 2 tháng, tôi đã quyết định xin nghỉ. Cũng từ trải nghiệm đó nên tôi đã chú ý tìm hiểu môi trường làm việc hơn".
Vì theo học ngành Công tác xã hội, nên Linh thường lựa chọn những việc được tiếp xúc nhiều với khách hàng, giúp cải thiện khả năng giao tiếp, đồng thời kiếm thêm thu nhập.
Song, lựa chọn đi làm sớm cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian sinh hoạt của Phương Linh. Chị dành hầu hết thời gian rảnh để đi làm nên không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Không ít lần vì quá mải đi làm mà quên mất bài tập trên lớp.
Linh tự nhận thấy những bất cập của bản thân và luôn cố gắng tìm giải pháp để khắc phục. Nữ sinh thường dành ra một ngày nghỉ thay vì đi làm cả tuần và ngày đó sẽ tập trung cho gia đình cho bạn bè. Trong học tập, Linh cố gắng hoàn thiện bài ngay sau khi được giao, song vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng làm bài đêm.
Phương Linh cho biết, sau khi đi làm đã giúp bản thân biết quý trọng đồng tiền, mua gì cũng quy ra giờ làm nên phải suy nghĩ rất kỹ. Linh cũng hiểu thêm về khả năng của mình, biết mình làm tốt cái gì và còn hạn chế ở những điểm nào.
CAM LY (báo lao động)
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-tre-ngay-cang-co-xu-huong-di-lam-som-1182752.ldo