Ra mắt “Điểm sinh hoạt văn hóa Công đoàn” tại Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (KCN Hòa Khánh). Ảnh: Trà Vân
Từ nhu cầu rất thật của người lao động
Không khó để hình dung áp lực mà công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp phải đối mặt mỗi ngày: Nhịp làm việc đều đặn, ca kíp thay phiên, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, cùng muôn vàn nỗi lo cuộc sống. Trong guồng quay ấy, nhu cầu được thư giãn, giao lưu, tiếp cận tri thức, thậm chí chỉ là một góc yên tĩnh để nạp lại năng lượng, nhiều khi lại trở thành điều xa xỉ với nhiều người lao động (NLĐ).
Chính từ sự thấu hiểu ấy, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng đã chủ động đề xuất và triển khai mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa Công đoàn” - một không gian đa chức năng, gần gũi và nhân văn, dành riêng cho công nhân lao động.
Không chỉ đơn thuần là một phòng đọc sách hay chỗ nghỉ ngơi, các điểm sinh hoạt này được thiết kế đồng bộ với nhiều khu vực chức năng: Tủ sách công đoàn, kệ báo pháp luật, góc tuyên truyền chính sách, khu check-in sinh động, không gian thư giãn, trò chuyện… Tất cả đều nhằm mục tiêu xây dựng một môi trường thân thiện, nơi công nhân có thể tìm thấy thông tin hữu ích, giải trí lành mạnh...Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 5 điểm sinh hoạt được thành lập tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP Đà Nẵng như Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng và Công ty TNHH KeyTronic Việt Nam. Dù khác nhau về quy mô và ngành nghề, điểm chung là các doanh nghiệp đều dành sự quan tâm đặc biệt cho đời sống tinh thần công nhân.
Nhiều điểm sinh hoạt còn được đầu tư hệ thống âm thanh di động, sách chuyên đề, thiết bị truyền thông nội bộ nhằm tăng tính tương tác và khả năng tổ chức hoạt động phong phú. Không ít công nhân đã chủ động chia sẻ về sự thay đổi tích cực trong tâm trạng và hiệu suất làm việc khi có nơi để thư giãn, đọc sách, chia sẻ, thay vì chỉ “cắm mặt” vào điện thoại như trước đây.
Một bước tiến trong tư duy công đoàn
Mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa Công đoàn” không chỉ là sáng kiến mang tính tình thế, mà còn là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến trong tư duy hoạt động công đoàn. Nếu trước đây, công đoàn thường gắn với những hoạt động bảo vệ quyền lợi vật chất, thì nay, vai trò bồi đắp tinh thần, tạo dựng môi trường nhân văn cũng được đẩy lên hàng đầu.
Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời đại mới - nơi năng suất không chỉ đến từ công nghệ, mà còn bắt nguồn từ sự hài lòng và hạnh phúc của NLĐ. Một công nhân có sức khỏe tinh thần tốt là người có khả năng sáng tạo, làm việc dài lâu, giảm thiểu mâu thuẫn nội bộ và gia tăng sự trung thành với doanh nghiệp.
Từ những kết quả bước đầu, Công đoàn Khu CNC&CKCN Đà Nẵng đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này tới các doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên, đặc biệt là trong khối FDI. Đây không chỉ là bài toán về nguồn lực, mà còn cần sự đồng hành, chia sẻ của phía doanh nghiệp trong việc dành quỹ không gian, ngân sách cũng như thời gian sinh hoạt cho người lao động.
Mỗi điểm sinh hoạt có thể chỉ là một căn phòng vài chục mét vuông, nhưng nó mở ra một không gian kết nối tinh thần sâu rộng. Từ đó, những giá trị tích cực sẽ lan tỏa ngược lại chính doanh nghiệp: Sự gắn bó, tự hào, và thậm chí là sự chủ động đóng góp ý tưởng, giải pháp từ công nhân cho hoạt động sản xuất - điều không thể mua được bằng tiền. Mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa Công đoàn” không chỉ là một công trình phúc lợi, mà chính là biểu hiện rõ nhất cho cách một tổ chức công đoàn hiện đại thể hiện vai trò: Chăm lo người lao động một cách toàn diện, cả thể chất, quyền lợi và đời sống tinh thần.
https://laodong.vn/cach-lam-hay-tu-co-so/diem-sinh-hoat-van-hoa-cong-doan-khong-gian-nhan-van-trong-cac-khu-cong-nghiep-1502581.ldo