Bạo lực đối với người lao động - hành vi không thể dung thứ
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên văn minh, hiện đại - thành quả của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới chống lại sự áp bức, bất công để giải phóng sức lao động, hướng tới thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Thế giới lao động ngày nay đang được vận hành dựa trên các quy tắc quản trị lao động được quốc tế công nhận, trong đó đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, đặc biệt là nguyên tắc cấm cưỡng bức lao động.
Sự việc hai công nhân Việt Nam bị chủ sử dụng lao động người Nhật sa thải kèm theo thông báo có hình ảnh bạo lực về người lao động bị kéo cắt cổ vào tháng 9/2022 và sự việc nữ nhân viên người Việt Nam vừa kết thúc thời gian nghỉ thai sản trở lại làm việc bị quản lý người Hàn Quốc đấm vào mặt, sau đó đạp vào người, rồi túm tóc lôi đi khoảng 1 mét vào tháng 2/2023 khiến cho bất cứ ai cũng bàng hoàng, sửng sốt trước các cách hành xử đó trong một thế giới văn minh, hiện đại. Các sự việc này là lời cảnh tỉnh cho sự cần thiết hành động khẩn cấp và nhanh chóng nhằm chống lại bạo lực tại nơi làm việc.
|
Diễn đàn “Bình đẳng giới, chống bạo lực trên cơ sở giới trong công nhân lao động” tại Công ty TNHH Synztec Việt Nam do Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức. Ảnh: Thiên Hà.
|
Tại sao bạo lực xảy ra tại nơi làm việc?
Kết quả một cuộc khảo sát thực hiện năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy khoảng 23% người lao động (NLĐ) trên toàn thế giới đã từng là nạn nhân của bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, dù là thể chất, tâm lý hay tình dục. ILO cũng cho biết cứ 5 nạn nhân thừa nhận bị bạo lực và quấy rối thì có 3 người cho biết họ đã bị bạo lực và quấy rối nhiều lần tại nơi làm việc, với phần lớn các vụ việc diễn ra trong vòng 5 năm qua.
Bạo lực nghĩa là sử dụng một dạng vũ lực nào đó đối với một người hoặc một nhóm người khác. Bạo lực gồm 2 loại: bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Bạo lực thể chất là việc sử dụng một dạng vũ lực nào đó đối với một người hoặc một nhóm người khác, có thể bao gồm: đánh, đá, tát, đâm, bắn, đẩy, cắn, cấu, véo; cấm đi vệ sinh; không cho uống nước, ăn hay đến phòng y tế; không cho nghỉ ốm, nghỉ phép; đập bàn, đập ghế, ném đồ vật; giật đồ, dứ nắm đấm; hạn chế một cách vô lý các hoạt động như nghỉ giải lao, ăn trưa, sinh hoạt sau giờ làm việc; hạn chế một cách vô lý các nhu cầu của con người như nói chuyện, cười, đứng lên, ngồi xuống; không trả lời câu hỏi, nhìn lạnh lùng, “bỏ ngoài tai”, ... Bạo lực thể chất là các hành vi làm tổn hại hoặc gây ức chế về thể chất và tâm lý kéo dài. Hành vi bạo lực thể chất có thể từ khách hàng, quản lý, đồng nghiệp...
Bạo lực tinh thần là việc cố ý sử dụng quyền lực/sức mạnh chống lại một người hoặc nhóm người khác, có thể gây tổn hại đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, đạo đức hoặc xã hội. Bạo lực tinh thần bao gồm bạo lực thể chất (đã nêu ở trên), lạm dụng bằng lời nói, bắt nạt, lăng mạ, quấy rối và đe dọa. Quấy rối là hành vi không được hoan nghênh đối với người khác, bao gồm cả quấy rối tình dục.
Người quản lý tức giận, nhân viên căng thẳng, NLĐ cảm thấy bị công ty đối xử tệ, nhân viên bị sa thải hoặc xung đột giữa các đồng nghiệp đều có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực tại nơi làm việc.
Có nhiều lý do xảy ra bạo lực tại nơi làm việc. Đầu tiên phải nói tới là áp lực công việc ngày càng cao đối với cả người quản lý và NLĐ, từ đó tạo ra căng thẳng tại nơi làm việc, khiến người quản lý hay nhân viên bực bội, dẫn tới mất khả năng kiểm soát hành vi. Các vấn đề của cuộc sống cá nhân tràn vào nơi làm việc đôi khi để lại những hậu quả khôn lường tại nơi làm việc. Nhiều vụ việc đâm chém và giết người do mâu thuẫn tại nơi làm việc đã được báo cáo.
Một nơi làm việc không chuyên nghiệp, thiếu các quy định và thực thi chặt chẽ, thiếu các chương trình giáo dục và hỗ trợ đi liền với việc xử lý không nghiêm các trường hợp vi phạm làm cho vấn đề bạo lực và quấy rối có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Việc thiếu sàng lọc nhân sự trước khi tuyển dụng, đặc biệt đối với các vị trí quản lý - là vị trí công việc có cơ hội để lạm dụng quyền lực dẫn tới bạo lực và quấy rối - cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới bạo lực tại nơi làm việc không được ngăn chặn.
Bên cạnh các nguyên nhân tại nơi làm việc, bạo lực xảy ra còn có nguyên nhân của việc chính sách và quy định pháp luật không được thực thi nghiêm.
Quy định của pháp luật Việt Nam
Trong lĩnh vực lao động, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng là nghiêm cấm bạo lực tại nơi làm việc.
Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải tôn trọng danh dự và nhân phẩm của NLĐ. Điều 8, 127 và 165 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm ngược đãi NLĐ, cưỡng bức lao động, xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của NLĐ, quấy rối tình dục, dùng vũ lực đối với lao động. Điều 259, Bộ luật hình sự năm 2015 coi cưỡng bức lao động là tội hình sự, tùy theo mức độ gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe, có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm, và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mặc dù pháp luật có quy định chặt chẽ, song bạo lực đối với NLĐ, thậm chí ở mức độ rất nghiêm trọng như sự việc bạo lực hình ảnh và đánh đập NLĐ của các công ty nước ngoài nói trên vẫn xảy ra. Điều này cho thấy sự ngang nhiên coi thường pháp luật Việt Nam.
|
Cán bộ công đoàn thăm hỏi công nhân Công ty TNHH OT Motor Vina (Đồng Nai) bị giám đốc người Hàn Quốc hành hung phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hà Anh Chiến. |
Khuyến nghị hành động
Để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và quyền của NLĐ được tôn trọng, để tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho NLĐ và một môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp, các hành vi bạo lực và quấy rối cần được ngăn chặn.
Các cấp, ngành cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ các trường hợp NLĐ là nạn nhân của bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc trên dựa trên các quy định của pháp luật quốc gia. Chúng ta cần tăng cường nâng cao nhận thức và giáo dục NLĐ về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc và những nguồn hỗ trợ dành cho họ. Công đoàn đã và đang thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người quản lý, người lãnh đạo và những NLĐ biết làm gì khi thấy bạo lực và quấy rối xảy ra thông qua các khóa học chuyên sâu về vấn đề này. Một trang thông tin và kết nối trực tuyến để tạo thuận lợi cho NLĐ báo cáo về các hành vi bạo lực và quấy rối là rất cần thiết.
Người sử dụng lao động cần có chính sách ngăn chặn bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc và hình thành các cơ chế và quy trình về báo cáo và giải quyết các trường hợp bạo lực và quấy rối đi kèm với các biện pháp quyết liệt để xử lý vi phạm và ngăn chặn tái diễn. Mọi người ở tất cả các vị trí công việc, bao gồm cả người quản lý, người lãnh đạo, nhân viên và công nhân… đều cần được tập huấn, hướng dẫn và thông tin thường xuyên để nhận biết và không phạm phải hành vi bạo lực và quấy rối cũng như biết cách hành động khi đối mặt với các hành vi xảy ra tại nơi làm việc. Đặc biệt, người sử dụng lao động cần thực hành sàng lọc trong tuyển dụng lao động ở tất cả các vị trí công việc để giảm thiểu khả năng xảy ra bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc ngay từ đầu.
|
Việt Nam cần nhanh chóng phê chuẩn Công ước 190 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong thế giới lao động làm nền tảng cho hệ thống pháp luật trong nước và có các biện pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả Công ước này. Ảnh minh họa (Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn). |
Hy vọng rằng, việc phê chuẩn Công ước 190 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong thế giới lao động nhanh chóng được thực hiện. Đây là nền tảng cho hệ thống pháp luật trong nước và các biện pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả Công ước này.
Công ước 190 đề cập tới bạo lực và quấy rối xảy ra trong quá trình, liên quan đến hoặc phát sinh từ công việc, bao gồm tại: không gian công cộng (đặc biệt quan trọng đối với người lao động trong kinh tế phi chính thức), không gian riêng tư (quan trọng đối với người giúp việc gia đình, người làm việc tại nhà và những người làm việc trong không gian kỹ thuật số), tại các sự kiện và hoạt động liên quan đến công việc, kể cả các cuộc họp bên ngoài nơi làm việc, trong hoạt động đào tạo, các chuyến đi và du lịch liên quan đến công việc, các hoạt động xã hội như các bữa tiệc, trên đường đi làm và về nhà, những nơi người lao động được trả lương, nghỉ ngơi hoặc ăn uống, những nơi sử dụng các thiết bị vệ sinh, rửa và thay đồ, tại chỗ ở do người sử dụng lao động cung cấp bao gồm ký túc xá hoặc phòng ở…
Công ước 190 cũng đề cập bạo lực và quấy rối có thể xuất phát từ bên thứ ba như khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ, người dùng, bệnh nhân, và các thành viên của công chúng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với NLĐ trong lĩnh vực như y tế, khách sạn, giải trí, bán lẻ, giáo dục, giao thông vận tải và các dịch vụ khách hàng, khách hàng và công chúng khác.
Công ước 190 là một công cụ mang tính bước ngoặt để giải quyết vấn đề bạo lực và quấy rối trong lao động thông qua việc bảo vệ quyền lao động và quyền con người của NLĐ, cũng như đảm bảo nhân phẩm và sự tôn trọng cho NLĐ tại nơi làm việc.
https://laodongcongdoan.vn/bao-luc-doi-voi-nguoi-lao-dong-hanh-vi-khong-the-dung-thu-94899.html
TS. PHẠM THỊ THU LAN - VIỆN CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN